#134. 8 Nhu cầu chính đáng của nhà lãnh đạo
Khi lãnh đạo chăm sóc tốt nhu cầu của chính mình, họ cũng sẽ chăm sóc tổ chức của mình tốt hơn
Lãnh đạo thường được kỳ vọng là những người mạnh mẽ, vững vàng và luôn đặt lợi ích của tổ chức và nhân viên lên hàng đầu. Trong vai trò này, họ hiếm khi cho phép mình thừa nhận những nhu cầu cá nhân, hoặc họ cảm thấy những nhu cầu đó không quan trọng so với trách nhiệm to lớn họ đang gánh vác.
Trên thực tế, rất nhiều nhà lãnh đạo mà chúng tôi từng tiếp xúc, họ rất tôn trọng người khác, nhưng lại không tôn trọng những nhu cầu rất chính đáng của bản thân mình như được nghỉ ngơi, được lắng nghe, được quan tâm chăm sóc,… Khi những nhu cầu ấy không được đáp ứng, chúng có thể dẫn đến sự kiệt quệ, cảm giác gồng gánh nặng nề, và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng lãnh đạo lâu dài của họ.
Trong bản tin tuần này, chúng tôi muốn cùng bạn khám phá 8 nhu cầu chính đáng mà nhiều nhà lãnh đạo thường bỏ qua.
1, Nhu cầu nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng
Là một người lãnh đạo, bạn thường xuyên cảm thấy mình phải luôn có mặt, luôn sẵn sàng xử lý mọi tình huống, và luôn là người cuối cùng rời khỏi công việc. Áp lực duy trì hình ảnh mạnh mẽ, vững vàng có thể khiến bạn bỏ qua một thực tế quan trọng: cơ thể và tâm trí của bạn không phải là nguồn năng lượng vô hạn. Không ít lãnh đạo rơi vào tình trạng kiệt sức mà không nhận ra rằng chính việc không cho phép bản thân nghỉ ngơi đang bào mòn dần khả năng ra quyết định và sáng tạo của họ.
Nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng không phải là xa xỉ, mà là một yêu cầu cần thiết cho bất kỳ ai muốn lãnh đạo lâu dài. Đó có thể là những khoảng lặng ngắn trong ngày, một một khoảng thời gian chậm lại để nhâm nhi ly cafe sáng, kỳ nghỉ ngắn để tạo sự tươi mới bên trong, hoặc đơn giản là dành chút thời gian cho chính mình để thư giãn và nạp lại sức mạnh tinh thần. Hãy nhớ rằng, khi bạn chăm sóc bản thân tốt hơn, bạn cũng sẽ có thể chăm sóc tổ chức của mình tốt hơn.
Đọc thêm: Kiệt Sức Ở Lãnh Đạo: Dấu hiệu, Nguyên Nhân và Giải Pháp
2, Nhu cầu có sự kết nối thực sự
Là một nhà lãnh đạo, bạn dễ có xu hướng duy trì khoảng cách với mọi người để đảm bảo tính chuyên nghiệp, sự tôn trọng và quyền lực. Tuy nhiên, chính điều này có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn, lẻ loi ngay cả khi bạn đang ở giữa một đội ngũ đông đảo. Bạn là người mà mọi người tìm đến để xin ý kiến, để được giải quyết vấn đề, nhưng lại hiếm khi bạn có ai đó để lắng nghe, để thấu hiểu những khó khăn và nỗi lo của chính mình.
Hãy chủ động xây dựng một mạng lưới hỗ trợ đáng tin cậy xung quanh mình. Đó có thể là một vài nhà lãnh đạo ngang hàng mà bạn tin tưởng, họ hiểu những trách nhiệm mà bạn đang gánh vác, họ có thể lắng nghe và chia sẻ những kinh nghiệm từ phía họ mà không có sự phán xét. Đó có thể là một người trợ lý mà bạn thực sự tin tưởng, là “cánh tay phải” đỡ đần bạn trong nhiều công việc, là một người đồng hành luôn ở đó. Đó có thể là một chuyên gia khai vấn - người cùng bạn khám phá những mục tiêu ý nghĩa mà bạn đang theo đuổi, người tạo không gian để bạn được là chính mình, được nói ra mọi khó khăn mà bạn đang đối mặt.
3, Nhu cầu sống đúng với cảm xúc thật
Là lãnh đạo, bạn thường phải giữ vẻ ngoài bình tĩnh, quyết đoán, che giấu những cảm xúc thật của mình. Tuy nhiên, việc kìm nén cảm xúc có thể tạo ra áp lực ngầm, khiến bạn cảm thấy căng thẳng và mất kết nối với chính mình. Để lãnh đạo bền vững, bạn cần cho phép bản thân thể hiện cảm xúc thật một cách chân thành và có kiểm soát. Bạn không bốc đồng và “xả” cảm xúc một cách thiếu trách nhiệm, nhưng bạn nhận biết những cảm xúc thật bên trong mình và đối diện với chúng một cách lành mạnh. Việc thừa nhận và xử lý cảm xúc không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng cá nhân mà còn xây dựng môi trường làm việc chân thật, nơi mọi người cảm thấy an toàn khi là chính mình.
Đọc thêm: Quản Lý Cảm Xúc Là Gì? Cẩm Nang Quản Lý Cảm Xúc Cho Nhà Lãnh Đạo
4, Nhu cầu phát triển bản thân toàn diện
Lãnh đạo không chỉ cần phát triển kỹ năng và kiến thức mà còn phải nuôi dưỡng sự phát triển tinh thần. Việc học hỏi và mở rộng chuyên môn là cần thiết, nhưng điều quan trọng không kém là bạn phải rèn luyện lòng trắc ẩn (compassion), sự chân thật (authenticity), và khả năng hiểu sâu sắc về bản thân... Những giá trị này giúp bạn không chỉ là một người lãnh đạo giỏi mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho đội ngũ. Khi bạn phát triển toàn diện cả về mặt kỹ năng lẫn tinh thần, bạn sẽ dẫn dắt bằng cả trí tuệ và trái tim, tạo ra ảnh hưởng bền vững và nhân văn hơn.
5, Nhu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Lãnh đạo thường cảm thấy áp lực phải đặt công việc lên hàng đầu, nhưng sự thật là, nếu bạn không dành thời gian để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, hiệu suất và sức khỏe dài hạn của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Cân bằng không chỉ là việc sắp xếp thời gian mà còn là việc duy trì sự kết nối với bản thân, gia đình và những giá trị quan trọng trong cuộc sống. Sự cân bằng này giúp bạn giữ được sự sáng suốt, lòng trắc ẩn, và năng lượng để lãnh đạo một cách bền vững. Khi bạn chăm sóc tốt cho chính mình, bạn cũng sẽ có khả năng chăm sóc tổ chức và đội ngũ tốt hơn, tạo ra một văn hóa làm việc hài hòa và hiệu quả hơn.
6. Nhu cầu được thử nghiệm và thất bại
Thành công không đến từ việc luôn tránh sai lầm mà từ việc dám thử nghiệm và học hỏi từ những thất bại. Là một nhà lãnh đạo, bạn cần không gian để thử nghiệm các ý tưởng mới mà không lo sợ về những thất bại có thể xảy ra. Chính từ những thất bại, bạn sẽ rút ra được những bài học quan trọng và tạo ra những cải tiến đáng giá. Không phải mọi quyết định đều phải hoàn hảo, và khi bạn chấp nhận thất bại như một phần của quá trình phát triển, bạn sẽ khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới không chỉ cho bản thân mà còn cho toàn tổ chức.
Tạm kết:
Những nhu cầu chính đáng này là nền tảng cho sự lãnh đạo bền vững và hiệu quả. Khi chăm sóc những nhu cầu của chính mình, bạn không chỉ nâng cao khả năng lãnh đạo mà còn tạo ra môi trường làm việc hài hòa, nơi cả bạn và đội ngũ cùng phát triển. Nếu bạn nhìn thấy mình trong 8 nhu cầu này, hãy chậm lại và tự hỏi: Làm thế nào để tôi chăm sóc và đáp ứng những nhu cầu chính đáng đó? Việc chăm sóc bản thân không phải là sự yếu đuối, mà là chìa khóa để dẫn dắt lâu dài và nhân văn hơn.
Bài thực hành tuần này là “Ăn trong tỉnh thức”. Thức ăn không chỉ đem lại năng lượng cho cơ thể vật lý mà còn ảnh hưởng đến tâm trí. Ăn gì, ăn như thế nào, ăn trong trạng thái ra sao để tối đa hoá lợi ích của miếng ăn?
Ăn trong tỉnh thức là thực hành việc tập trung toàn bộ sự chú ý của chúng ta vào từng món ăn. Buông trôi mọi suy nghĩ, mọi kế hoạch công việc,... chỉ sử dụng các giác quan như nhìn, nếm, ngửi, nhai, nuốt để cảm nhận trọn vẹn món ăn. Điều này sẽ khiến chúng ta không chỉ ngon miệng, giúp dạ dày tiết ra dịch vị để tiêu hoá thức ăn tốt hơn, cơ thể hấp thụ được nhiều dưỡng chất hơn từ món ăn, mà còn giúp tâm trí chúng ta được hoàn toàn nghỉ ngơi, thoát ra khỏi nhưng lo lắng thường trực trong đầu.
Việc tập trung toàn bộ sự chú ý vào các giác quan vật lý sẽ giúp cho các giác quan tinh tế là tâm trí được nghỉ ngơi, đây là một cách giải toả stress rất hiệu quả. Tuần này, bạn hãy thử ăn hoặc uống trong tỉnh thức và quan sát cảm nhận của mình đối với món ăn, và xem suy nghĩ và tâm trạng của mình khác đi như thế nào nhé!
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào 10h sáng thứ 5 hàng tuần.