#161. Đam mê - Sự chịu đựng tự nguyện và thiêng liêng (Từ khoá số 4)
Từ “passion” (đam mê) bắt nguồn từ Latin passio – nghĩa là "chịu đựng."
Nhà soạn nhạc Beethoven đã viết bản Giao hưởng số 9 khi ông đã hoàn toàn mất thính lực. Không còn nghe được một nốt nhạc nào, ông vẫn tiếp tục sáng tác – một hành trình mà nhiều người gọi là bất khả. Người ta kể rằng lời cuối cùng Beethoven thốt ra trước khi qua đời là: “Rồi ta sẽ được nghe ở thiên đường.” (“I shall hear in heaven”.
Câu chuyện ấy không chỉ là bản lĩnh của một thiên tài, mà là một định nghĩa đầy sức nặng về "đam mê". Không ồn ào, không bốc lửa – mà là một dạng cam kết âm thầm, sâu sắc và bền bỉ với điều mình thật sự tin là xứng đáng. Đam mê (Passion) chính là từ khoá chúng ta sẽ cùng nhau khám phá trong bản tin tuần này.
(Đây bản tin tuần thứ 4 trong chuỗi bài khám phá những từ khóa mạnh mẽ từ cuốn sách "Aspire" (Thuật dụng ngôn) của tác giả Kevin Hall)
Đam mê là gì ?
Từ “passion” (đam mê) bắt nguồn từ Latin passio – nghĩa là "chịu đựng."
Vào khoảng thế kỷ 12, từ “Passion” lần đầu xuất hiện trong tiếng Anh để chỉ “The Passion of Christ” – sự khổ nạn của Chúa Jesus. Từ đó về sau, “passion” mang hàm ý về sự chịu đựng, hy sinh vì tình yêu thương và niềm tin.
Trải qua thời gian, ý nghĩa của từ này dần mai một. Nhiều người thường nghĩ về đam mê như một cảm xúc mãnh liệt, một sự hứng khởi dâng trào hay tình yêu sâu đậm dành cho điều gì đó. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của từ "passion" lại mang một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều.
Hiểu sâu hơn, đam mê không chỉ là cảm giác hưng phấn khi mọi thứ thuận lợi, mà là khả năng chấp nhận cả những vất vả, khổ nhọc trên hành trình đạt được điều mình yêu quý. Đó là khi ta chấp nhận trả giá – bằng công sức, thời gian, thậm chí là nỗi đau – vì điều thực sự có ý nghĩa đối với ta.
“Hãy theo đuổi đam mê của bạn!” - có phải một lời khuyên hay?
“Hãy theo đuổi đam mê của bạn” là một lời khuyên bạn có thể gặp trong không ít bài viết truyền cảm hứng. Khi bạn đã hiểu sâu hơn ý nghĩa của từ “đam mê”, lời khuyên này mang một sắc thác khác, nó không hề dễ dàng và lãng mạn. Khi nói về đam mê, chúng ta không chỉ đơn thuần nhắc đến cảm giác phấn khích và yêu thích điều gì đó, mà còn về sự kiên trì vượt qua khó khăn, thách thức trên hành trình đạt được mục tiêu.
Những nhà lãnh đạo đích thực hiểu rằng:
Đam mê thật sự được thể hiện thông qua khả năng kiên trì khi đối mặt với trở ngại
Cảm giác phấn khích có thể tạm thời, nhưng cam kết vượt qua khó khăn mới là dấu hiệu của đam mê bền vững
Khả năng chịu đựng những giai đoạn khó khăn chính là điều phân biệt giữa sở thích thoáng qua và đam mê thực sự
Suy ngẫm dành cho các nhà lãnh đạo
Các nhà lãnh đạo thân mến, chúng tôi mời bạn chậm lại với ý nghĩa thực sự của từ “đam mê” và khám phá một số câu hỏi gợi ý sau:
Trong vai trò lãnh đạo, tôi đã bỏ dở những mục tiêu quan trọng nào vì không sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thử thách?
Đâu là những dự án, sáng kiến dang dở khiến tôi cảm thấy không trọn vẹn? Điều gì ngăn cản tôi tiếp tục theo đuổi chúng?
Làm thế nào tôi có thể tạo môi trường an toàn để đội ngũ của mình dám đối diện với khó khăn, thách thức trong quá trình theo đuổi mục tiêu?
Tôi đã thực sự thể hiện sự "chịu đựng tự nguyện" như thế nào trước đội ngũ để truyền cảm hứng cho họ?
Hãy chân thành với chính mình khi trả lời những câu hỏi này. Chúng không nhằm gợi lên sự tiếc nuối. Đôi khi, một mục tiêu dang dở và cảm giác tiếc nuối về nó chính là la bàn chỉ cho bạn thấy đâu mới là đam mê thật sự.
Rất có thể, bạn sẽ được kết nối lại với một vài ý tưởng mà bạn từng đam mê và cũng từng từ bỏ. Rất có thể, bạn sẽ tìm ra được câu trả lời cho trăn trở: “Làm thế nào để tạo ra được một đội ngũ nhiệt huyết và đam mê?”. Rất có thể, bạn sẽ chạm được vào một đam mê quan trọng mà bạn đã từng bỏ lỡ vì chưa sẵn sàng chịu đựng khó khăn.
Đồng hành cùng nhân viên sống cùng đam mê
Khi coaching đội ngũ, thay vì hỏi "Bạn đam mê điều gì?", hãy thử đặt câu hỏi:
"Điều gì khiến bạn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để đạt được?"
"Bạn sẵn sàng chịu đựng những khó khăn, thách thức nào để đạt được mục tiêu của mình?"
"Khi gặp trở ngại, điều gì giúp bạn tiếp tục kiên trì thay vì từ bỏ?"
Khi trọng tâm câu hỏi không đơn thuần là “Bạn thích điều gì? Bạn muốn làm điều gì” mà chuyển sang “Điều gì khiến bạn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để đạt được?” - cuộc trò chuyện chạm đến ý chí, sự bền bỉ và những mong muốn nghiêm túc nhất bên trong mỗi người. Mời bạn thử nghiệm với những câu hỏi này, và chia sẻ kết quả mà bạn thu được nhé!
Tạm kết
Từ “Passion – Đam mê” trong cuốn Aspire – Thuật Dụng Ngôn mang đến cho chúng ta một thông điệp giản dị mà sâu sắc: Hãy tìm ra điều đáng để ta dốc lòng dốc sức, và sẵn sàng trả giá vì nó. Đam mê không ồn ào phô trương, nó thể hiện trong những lựa chọn bền bỉ mỗi ngày của bạn – khi bạn quyết định tiếp tục cố gắng thêm một chút, vì bạn biết điều đó có ý nghĩa xứng đáng. Chúc bạn một tuần nhiều phát hiện mới mẻ với từ khoá “Đam mê” và hẹn bạn tại bản tin tiếp theo.
Tuần này, bài thực hành tỉnh thức mà chúng tôi muốn gửi đến bạn là ‘Đẹp từ trong tâm hồn'. So sánh mình với người khác là một căn bệnh kinh niên mà bất cứ ai cũng từng gặp phải. Nhìn và ấn tượng bởi lớp vỏ bên ngoài của người khác, chúng ta dễ bị choáng ngợp và quên mất điều gì tạo nên sự vững vàng, mạnh mẽ từ bên trong.
Thay vì chỉ tập trung vào những điểm “chưa hoàn hảo”, đánh giá mình vượt trội hơn hoặc thua kém người khác (dựa trên vẻ bề ngoài, tài sản sở hữu, năng lực hoặc trí thông minh), bạn hãy chuyển những cảm xúc “không toàn vẹn” ấy thành niềm tin rằng mình rất may mắn, giàu các đức hạnh và sức mạnh nội tâm.
Tuần này, hãy luôn tự hỏi bản thân rằng: Điều gì thực sự là mình và tạo nên con người thật của mình? Chính những giá trị cốt lõi, đức hạnh bên trong mới tạo ra sự độc đáo và giá trị của riêng bạn. Chúc các bạn một tuần mới mới đầy ắp niềm vui và hạnh phúc.
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình.