#167. Integrity - Sự chính trực (Từ khoá 11)
Chính trực là làm đúng ngay cả khi không ai nhìn thấy.
“Việc sống một cuộc sống chính trực bắt đầu bằng việc hứa và giữ lời hứa cho đến khi toàn bộ nhân cách, các giác quan, suy nghĩ, cảm nhận và trực giác kết hợp và hoà quyện vào nhau”. - Đó là một câu nói nổi tiếng của tác giả sách Stephen R. Cover.
Sự chính trực (Integrity) là từ khoá mạnh mẽ mà chúng ta sẽ cùng khám phá trong tuần này. Đây cũng là từ khoá cuối cùng trong chuỗi 11 từ khoá trong cuốn sách “Thuật Dụng Ngôn” của tác giả Kevin Hall. Mời bạn cùng Leader As Coach khám phá mảnh ghép cuối cùng này!
"Integrity" – Ý nghĩa nguyên gốc
Kevin Hall định nghĩa Integrity bắt nguồn từ tiếng Latin "integer" - có nghĩa là nguyên vẹn, trọn vẹn. Hiểu đơn giản, integrity là sự toàn vẹn giữa lời nói và việc làm.
Integrity không chỉ gói gọn ở ý nghĩa "thành thật" hay "đạo đức" trong hiểu biết thông thường, mà sâu xa hơn, nó còn mang hàm ý về một đời sống "toàn vẹn". William Shakespeare từng khuyên: "Trước hết hãy sống thật với chính mình, rồi không thể giả dối với bất kỳ ai". Chính trực chính là sự thống nhất không tách rời giữa con người bên trong và những gì ta thể hiện ra bên ngoài.
Kevin Hall còn liên hệ Integrity với tính chân thật tuyệt đối qua một câu chuyện thú vị về nguồn gốc ngôn ngữ: Ngày xưa, ở Ý, có những nhà điêu khắc không trung thực dùng sáp để lấp vết nứt trên tác phẩm, đánh lừa người xem. Ngược lại, các nghệ nhân chân chính sẽ đóng dấu chữ "sine cera" (nghĩa là "không sáp") lên tác phẩm của mình để khẳng định tính nguyên vẹn, không che đậy.
Từ "sincere" trong tiếng Anh (chân thành) xuất phát từ chính câu chuyện này - hàm ý rằng sự chân thành hay chính trực đòi hỏi phải "không có sáp", tức không che giấu khuyết điểm, không giả tạo. Integrity vì thế đồng nghĩa với sự minh bạch và chân thật tuyệt đối - một con người "không sáp" nghĩa là thẳng thắn, rõ ràng, không tô vẽ.
Nhà lãnh đạo chính trực trong từng hành động
Với một nhà lãnh đạo, sự chính trực không nằm ở những lời tuyên bố hùng hồn mà thể hiện rõ nhất qua các lựa chọn và hành vi thường ngày, đặc biệt trong những tình huống khó khăn, mập mờ hoặc dễ bị cám dỗ. Chính trực là làm đúng ngay cả khi không ai nhìn thấy – là giữ vững giá trị ngay cả khi điều đó khiến bạn chậm hơn, mất đi cơ hội hay phải chịu áp lực từ xung quanh.
Với một nhà lãnh đạo, integrity không nằm ở những lời tuyên bố hùng hồn mà thể hiện rõ nhất qua các lựa chọn và hành vi thường ngày, đặc biệt trong những tình huống khó khăn, mập mờ hoặc dễ bị cám dỗ. Chính trực là làm đúng ngay cả khi không ai nhìn thấy – là giữ vững giá trị ngay cả khi điều đó khiến bạn chậm hơn, mất đi cơ hội hay phải chịu áp lực từ xung quanh.
Một số ví dụ cụ thể cho thấy integrity thể hiện thế nào trong vai trò lãnh đạo:
Khi ra quyết định quan trọng: Bạn chọn điều đúng hay điều dễ? Một lãnh đạo chính trực sẵn sàng hy sinh “điểm cộng ngắn hạn” để giữ gìn sự tôn trọng lâu dài từ đội ngũ – ví dụ: không nhận dự án chỉ để tăng doanh thu nếu biết rằng nó gây tổn hại đến nhân viên hoặc khách hàng.
Trong xử lý lỗi sai: Chính trực không đồng nghĩa với không bao giờ sai, mà là dám thừa nhận lỗi và sửa sai nhanh chóng. Một nhà lãnh đạo chính trực sẽ nói “Tôi chịu trách nhiệm, đây là cách tôi khắc phục” thay vì đổ lỗi hoặc che giấu.
Khi truyền đạt thông tin: Họ nói sự thật, cả khi thông tin ấy khó nghe – như việc minh bạch về tình hình tài chính công ty, lý do một thay đổi nhân sự, hay thẳng thắn về kỳ vọng trong đánh giá hiệu suất. Chính sự rõ ràng này tạo ra văn hóa tin tưởng.
Khi giữ cam kết cá nhân: Dù là việc nhỏ như đúng giờ trong cuộc họp, phản hồi đúng hẹn, hay làm điều đã nói, những hành vi nhất quán này là cách integrity được thể hiện và lan toả từng ngày.
Một tổ chức nơi người lãnh đạo sống chính trực sẽ dần hình thành văn hóa trung thực, minh bạch và trách nhiệm. Và ngược lại, chỉ cần người đứng đầu làm việc nửa vời, nói một đằng làm một nẻo, tổ chức cũng sẽ mất đi “xương sống đạo đức” của mình.
Câu hỏi chiêm nghiệm dành cho nhà lãnh đạo
Để sống và lãnh đạo với chính trực, hãy bắt đầu từ việc soi chiếu lại những hành động rất cụ thể của chính mình:
Tôi đã từng đưa ra quyết định nào vì thuận tiện, thay vì vì đúng đắn? Trong hoàn cảnh đó, điều gì khiến tôi chọn như vậy?
Tôi đang thực hiện những cam kết nào với đội ngũ? Điều gì giúp tôi giữ đúng lời hứa, và đâu là rào cản tôi cần vượt qua để không thất hứa?
Tôi truyền đạt thông tin theo cách nào trong tổ chức? Làm sao tôi có thể tạo thêm không gian để mọi người được nghe sự thật – và dám nói sự thật với tôi?
Tôi thể hiện vai trò làm gương ra sao trong văn hóa trung thực? Nhân viên có thể quan sát được điều đó ở đâu trong hành vi hàng ngày của tôi?
Sau cùng, chính trực không phải là sự hoàn hảo, mà là sự nhất quán trong cố gắng
Sống với chính trực không đòi hỏi bạn phải luôn đúng, luôn mạnh mẽ hay luôn kiên định 100%. Đó là một hành trình – nơi bạn liên tục chọn trở về với giá trị cốt lõi của mình, ngay cả khi lỡ chệch hướng.
Đôi khi, chính trực là một lời xin lỗi đúng lúc, là sự im lặng để lắng nghe, hay một bước lùi để cân nhắc lại điều gì thực sự quan trọng. Chính trực cũng có thể là một cuộc trò chuyện khó, nhưng giúp bạn và đội ngũ hiểu nhau hơn, tin nhau hơn.
Và mỗi lần bạn lựa chọn sống đúng với điều bạn tin là đúng – dù là hành động rất nhỏ – chính là lúc bạn đang nuôi dưỡng sự chính trực một cách tự nhiên, bền bỉ.
Vậy, hôm nay bạn sẽ bắt đầu từ đâu?
Điều gì là một hành động nhỏ nhưng nhất quán mà bạn có thể thực hiện để sống chính trực hơn trong vai trò lãnh đạo của mình?
Cảm ơn bạn vì đã đồng hành cùng Leader As Coach trong chuỗi 11 bản tin đặc biệt vừa rồi! Hẹn gặp bạn trong bản tin tuần sau.
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Làm thế nào để tôi có thể vui cười hồn nhiên như một đứa trẻ?”. Bạn có nhớ khi còn nhỏ, bạn đã từng háo hức say mê với những điều nhỏ bé như thế nào. Tuần này, bản tin Leader As Coach giới thiệu đến bạn bài thực hành “Đôi mắt trẻ thơ”.
Một đứa trẻ luôn có sự tò mò, hiếu kỳ để khám phá mọi sự vật, hiện tượng xung quanh. Chúng luôn vui vẻ, háo hức, tìm kiếm mọi cách để trải nghiệm, để thử tất cả mọi thứ. Chúng không sợ thất bại, không sợ bị phán xét.
Trong tuần này, bạn hãy học cách đánh thức sự háo hức, nhiệt tình bên trong mình bằng cách dành vài phút để tập trung chú ý vào điều gì đó xung quanh bạn. Tưởng tượng rằng bạn đang nhìn vào sự việc bằng đôi mắt của một đứa trẻ. Tự hỏi mình những câu thật đơn giản, như: “Đó là gì vậy?”, “Làm sao nó lại ở đây?”, “Cái này để làm gì?”,... Khi bạn có thể khơi dậy trở lại nét hồn nhiên thơ trẻ của mình, bạn sẽ nhận ra điều gì thật sự quan trọng trong cuộc sống, và bạn bắt đầu có thể tìm thấy niềm vui trong những điều thật giản dị bé nhỏ.
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào 10h sáng thứ 5 hàng tuần.
Nếu bạn cảm thấy bản tin này là hữu ích, hãy chia sẻ nó với những người xung quanh nhé!