[Leader As Coach 18] 5 gợi ý giúp lãnh đạo hỗ trợ sức khoẻ tinh thần cho nhân viên giai đoạn hậu đại dịch
Việc chú trọng chăm sóc sức khoẻ tinh thần của nhân viên là một việc làm cấp thiết mà lãnh đạo cần thực hiện ngay để gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Tháng 4 năm 2020, tổ chức phi chính phủ Mind Share Partners đã thực hiện một nghiên cứu toàn cầu về sức khoẻ tinh thần của người lao động giai đoạn đại dịch. Kết quả chỉ ra rằng, 42% người tham gia nghiên cứu có những dấu hiệu rõ rệt của những vấn đề sức khoẻ tinh thần.
Dịch bênh tiếp tục kéo dài, người lao động vẫn hàng ngày phải đối mặt với cảm giác bất an, những lo lắng áp lực cả về công việc, sức khoẻ và gia đình. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm mà doanh nghiệp, đặc biệt là những người quản lý lãnh đạo, cần có những hành động kịp thời để chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho nhân viên của mình.
Trong bản tin Leader As Coach tuần này, chúng tôi sẽ gợi ý lãnh đạo 5 cách thiết thực để bạn có thể quan tâm và hỗ trợ sức khoẻ tinh thần cho nhân viên trong giai đoạn hậu đại dịch.
1, Trở thành tấm gương của việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần
Đừng chỉ nói rằng bạn ủng hộ việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Hãy có những hành động cụ thể để nhân viên thấy rằng bạn đang ưu tiên việc chăm sóc cho chính mình. Ví dụ, bạn chủ động lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ của bản thân, bạn thực hành tỉnh thức hàng ngày, bạn thiết lập những ranh giới rõ ràng giữa thời gian làm việc và thời gian dành cho bản thân và gia đình (không email vào cuối tuần, không họp vào buổi tối,…).
Hãy nhớ rằng, lãnh đạo luôn là người làm gương cho nhân sự trong tổ chức. Nếu như bạn làm việc đến kiệt sức, nếu như bạn luôn làm việc overtime,… rất có thể nhân viên của bạn cũng cảm thấy họ có nghĩa vụ phải làm như bạn.
2, Thẳng thắn chia sẻ về những vấn đề của bản thân
“Be vulnerable”. Là quản lý lãnh đạo, bạn hoàn toàn có thể cởi mở về những vấn đề sức khoẻ tinh thần mà bạn đang đối mặt. Đôi khi, chính sự dễ tổn thương lại là chìa khoá của việc kết nối. Chia sẻ về những khó khăn không đồng nghĩa với việc than thở hay lan toả những năng lượng tiêu cực, bạn chia sẻ trải nghiệm thực tế để thể hiện rằng bạn có thể đồng cảm với nhân viên nếu như họ đang gặp những vấn đề tương tự. Bạn cũng có thể đưa ra những giải pháp bạn đã thực hiện để chăm sóc sức khoẻ tinh thần của mình. Khi bạn chủ động, bạn cũng đang tạo cơ hội để nhân viên có thể mở lòng chia sẻ về những khó khăn mà họ đang đối mặt.
3, Xây dựng văn hoá check-in thường xuyên trong doanh nghiệp
Cũng trong nghiên cứu của Mind Share Partners, gần 40% nhân viên toàn cầu chia sẻ rằng không ai trong công ty hỏi họ rằng liệu họ có đang ổn hay không. Việc chủ động check-in định kỳ, thường xuyên với nhân viên là việc vô cùng quan trọng trong những giai đoạn khó khăn này. Trong các cuộc họp, các cuộc trao đổi hàng ngày, hãy hỏi thăm tình hình sức khoẻ của họ. Ví dụ:
Em có đang gặp khó khăn gì trong cuộc sống?
Dạo này làm việc ở nhà em cảm thấy như thế nào?
Anh/chị có thể hỗ trợ điều gì để công việc của em thuận lợi hơn không?
Hãy hỏi thăm với sự quan tâm thành thực, chủ động khơi gợi để nhân viên chia sẻ, hiện diện để lắng nghe những điều nhân viên nói và cả những điều họ không nói.
4, Thực hành coaching trong tổ chức
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, coaching là một phương pháp hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ cho người khác bởi tính cá nhân hoá rất cao. Trong các phiên coach, coachee được hỗ trợ để nâng cao sự nhận thức về bản thân, xác định các rào cản bên trong và bên ngoài, nhận thức được mục tiêu họ đang hướng đến và có những kế hoạch hành động rõ ràng để cải thiện tình hình. Đồng thời, coachee cũng dễ cảm thấy được thấu hiểu và đồng cảm, có những chuyển biến cảm xúc tích cực trong quá trình được coach.
Vì vậy, nếu bạn là người đã được đào tạo kỹ năng coaching, đây là thời điểm phù hợp nhất để bạn thực hành và hỗ trợ nhân viên của mình.
5, Đào tạo kỹ năng chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho nhân viên
Các doanh nghiệp hiện tại phần lớn thường tập trung vào đào tạo nhân viên ở những kỹ năng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để tăng hiệu quả công việc. Đã đến lúc doanh nghiệp cần nghĩ đến việc mở rộng phạm vi các chương trình đào tạo. Theo một nghiên cứu của Deloitte Insight năm 2018, việc mất năng suất làm việc do ảnh hưởng của các vấn đề sức khoẻ tinh thần đã gây tổn thất 6,3 tỷ đô cho các doanh nghiệp tại Canada. Do đó, việc tổ chức các workshop, hội thảo, chương trình đào tạo ngắn hạn về sức khoẻ tinh thần cũng là những khoản đầu tư xứng đáng. Các chủ đề mà doanh nghiệp có thể nghĩ tới như: Kỹ năng quản lý cảm xúc; Vai trò và cách thực hành tỉnh thức; Xây dựng sự vững vàng nội tại và khả năng đối mặt với áp lực;....
Nói tóm lại, xã hội ngày càng có nhiều áp lực, việc chú trọng chăm sóc sức khoẻ tinh thần của người lao động là một việc làm cấp thiết mà lãnh đạo cần thực hiện ngay để gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng một môi trường làm việc hạnh phúc và nhân văn.
Đã bao giờ bạn cảm thấy cơ thể và tâm trí mình thật nặng bề bởi những suy nghĩ tiêu cực và lãng phí? Trong thời đại thông tin nhanh và xô bồ như hiện tại, cảm giác đó là không thể tránh khỏi. Tuần này, bản tin Leader As Coach gửi đến bạn bài thực hành “Khinh khí cầu buông bỏ”. Mỗi khi thấy tâm trí bạn đang bối rối với quá nhiều cảm xúc suy nghĩ, hãy thử ngồi tĩnh lặng, hình dung bạn đang ở trong một chiếc khinh khí cầu bắt đầu bay lên. Để bay lên cao, bạn cần vứt bỏ đi những “gánh nặng” cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng rối bời.
Khinh khí cầu càng bay lên cao, bạn càng cảm thấy nhẹ nhõm, phấn chấn, tầm nhìn được trải rộng hơn, bạn bình an nhẹ nhõm chiêm ngưỡng những quang cảnh mới mẻ. Sau đó, khinh khí cần chậm chậm đáp xuống và bạn từ từ bước ra ngoài.
Lúc này, bạn cảm thấy trạng thái cảm xúc của mình thay đổi ra sao? Hãy chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm của bạn khi thực hành bài tập này nhé!
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào thứ 5 hàng tuần.
Nếu bạn cảm thấy bản tin này là hữu ích, hãy chia sẻ nó với những người xung quanh nhé!