[Leader As Coach 43] 5 đặc điểm của nhà lãnh đạo có trí thông minh cảm xúc cao
Để trở thành một lãnh đạo tạo ảnh hưởng mạnh mẽ, một yếu tố không thể bỏ qua là trí thông minh cảm xúc.
Lãnh đạo ngày nay cần có rất nhiều kỹ năng và tư duy mới để dẫn dắt đội nhóm hiệu quả. Một số lãnh đạo bẩm sinh có sức hút và kỹ năng giao tiếp tốt, một số lãnh đạo khác thì có sự quyết đoán và mạnh mẽ trong việc đưa ra những quyết định khó khăn.
Thế nhưng, để trở thành một lãnh đạo tạo ảnh hưởng mạnh mẽ, một yếu tố không thể bỏ qua là trí thông minh cảm xúc. Trong bản tin Leader As Coach tuần này, chúng tôi sẽ phân tích 5 đặc điểm của một quản lý lãnh đạo có trí thông minh cảm xúc cao.
1, Sự tự nhận thức bản thân (Self-awareness)
Tự nhận thức bản thân là khả năng bạn hiểu được điểm mạnh/điểm yếu của chính mình, nhận biết được những cảm xúc/suy nghĩ đang diễn ra bên trong mình, bạn hiểu rõ rằng bản thân muốn gì, cần gì ở từng thời điểm cụ thể. Lãnh đạo có sự tự nhận thức bản thân khi họ biết cách lùi lại, đánh giá khách quan tình huống, sau đó lựa chọn cách giải quyết phù hợp nhất. Tự nhận thức bản thân chính là ngọn hải đăng soi đường cho hành trình phát triển của chính quản lý lãnh đạo và tạo một không gian an toàn cho những người xung quanh.
Dưới đây là một số gợi ý cách để bạn nâng cao sự tự nhận thức bản thân:
Thực hành tỉnh thức: Việc thực hành tỉnh thức cho bạn cơ hội chậm lại để quan sát cảm xúc, suy nghĩ của chính mình. Từ đó, quản lý lãnh đạo sẽ không bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực như lo lắng, tức giận, phán xét,…
Quan sát hành vi: Quan sát, ghi chép lại xu hướng ứng xử của bạn trong những tình huống nhất định. Sau đó, tự hỏi bản thân tại sao lại cư xử như vậy và điều đó có tác động như thế nào đến những người xung quanh.
Tìm kiếm phản hồi từ những người liên quan: Đồng nghiệp, nhân viên, cấp trên có thể nhìn thấy những điều bạn bỏ lỡ. Thu thập và tiếp nhận những phản hồi mang tính xây dựng cũng là cách thức giúp bạn tiến lên trên hành trình tự nhận thức bản thân.
2, Tự quản lý bản thân (Self-regulation)
Trong vai trò quản lý lãnh đạo, đã bao giờ bạn rơi vào tình huống mà những cách ứng xử tiêu cực của bạn bùng phát: bạn tức giận nổi nóng trong cuộc họp, bạn bối rối không biết phải giải quyết vấn đề như thế nào, bạn trốn tránh trách nhiệm dù rằng đang ở vị trí lãnh đạo,…? Trước nhiều áp lực ở vị trí lãnh đạo, nếu như bạn không có khả năng quản lý bản thân, bạn sẽ rất khó để làm gương và dẫn dắt đội nhóm hiệu quả.
Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
Nhận biết các yếu tố kích hoạt: Khi nhận thức được những yếu tố thường khiến bạn mất kiểm soát, bạn có thể chủ động tìm ra giải pháp để đối phó với chúng.
Áp dụng quy trình Wait – Watch – Wise (Dừng lại – Quan sát – Hành xử khôn ngoan): Khi những yếu tố kích hoạt xuất hiện, bằng bất cứ cách nào, bạn cần cho bản thân một khoảng dừng phù hợp, có thể trong một vài giây, vài phút, hoặc lâu hơn tuỳ từng tình huống (Wait). Khoảng dừng đó là lúc để quan sát, đánh giá tình hình, đặt các câu hỏi để nhìn nhận tình huống một cách khách quan (Watch). Sau khi đã dừng lại để quan sát đánh giá, hãy tự hỏi: “Trong tình huống này mình nên làm gì, phản ứng như thế nào để có lợi nhất và không để những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng (Wise)”.
3, Khả năng duy trì và tạo động lực (Motivation)
Lãnh đạo có trí thông minh cảm xúc cao là người có khả năng tự tạo động lực cho chính mình để giúp bản thân và đội nhóm đạt được mục tiêu, họ cũng biết cách để tạo động lực cho người khác. Một người lãnh đạo động lực cao, một cách rất tự nhiên, có thể tạo nên một bầu không khí làm việc năng động, tích cực.
Để tạo động lực cho chính bản thân mình, bạn cần có một tầm nhìn rõ ràng về điều mà bạn muốn đạt được. Tầm nhìn ấy có khả năng truyền cảm hứng trong những giai đoạn bạn mất năng lượng. Đồng thời, đừng quên ghi nhận những thành công nhỏ của chính mình trên cả hành trình lãnh đạo.
Để tạo động lực cho nhân viên, bạn cũng có thể áp dụng những cách tương tự: giúp nhân viên nhìn rõ mục tiêu, thường xuyên ghi nhận,… Các buổi coaching định kỳ cũng là một công cụ rất hiệu quả để lãnh đạo giúp nhân viên duy trì và nâng cao động lực.
4, Năng lực thấu cảm (Empathy)
Thấu cảm là khả năng hiểu được cảm xúc, tâm trạng, câu chuyện của người khác bằng việc chủ động đặt mình vào vị thế của họ, và cảm nhận được những điều mà người kia đang phải trải qua. Tạp chí kinh doanh Forbes, đã từng chỉ ra 5 năm lý do khiến thấu cảm được đánh giá là một trong những kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất: Nhân sự trung thành hơn; Nhân sự cống hiến nhiều hơn; Nhân sự vui vẻ hơn; Nhân sự sáng tạo hơn; Nhân sự phối hợp với nhau hiệu quả hơn.
Để phát triển năng lực thấu cảm, quan trọng nhất là vượt qua rào cản về nhận thức. Sự thấu cảm cần bắt nguồn từ sự tử tế, bằng sự thực tâm mong muốn san sẻ, giúp đỡ; bằng sự ấm áp, chân thành giữa con người với con người. Dưới đây là một số gợi ý để các bạn tham khảo:
Tự soi chiếu để gạt bỏ những định kiến: Trước một tình huống mà bạn cảm tưởng mình không thể thấu cảm được với nhân viên của mình, hãy cho bản thân một khoảng dừng để tự soi chiếu, cố gắng đánh giá lại sự việc một cách khách quan hơn. Tự đặt câu hỏi, liệu đâu là lý do khiến bạn không thể thông cảm cho vấn đề này. Liệu có thể vấn đề không nằm ở nhân sự, mà là ở chính bản thân mình không? Bạn có đang bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hoặc ấn tượng nào về nhân sự này từ quá khứ không?
Giữ bình tĩnh và lắng nghe nhiều hơn: Bạn sẽ không thể thấu cảm với người khác, nếu bản thân dễ bị kích hoạt và mất bình tĩnh. Khi nhân sự đi làm muộn, trễ deadline, đánh mất khách hàng tiềm năng,… nếu như ngay lập tức bạn cáu giận, trách mắng, thì bạn đã bỏ qua rất nhiều câu chuyện phía sau. Hãy cho bản thân khoảng dừng để bình tĩnh lại, và thực sự lắng nghe những câu chuyện phía sau vấn đề và đặt thêm những câu hỏi để hiểu rõ vấn đề. Đây cũng là những kỹ năng quan trọng trong coaching.
Dù không phải là giải pháp duy nhất, thực hành tỉnh thức cũng là một cách thức giúp quản lý lãnh đạo phát triển năng lực thấu cảm một cách tự nhiên và bền vững.
5, Linh hoạt trong các kỹ năng xã hội (Social skills)
Hiểu đơn giản, các kỹ năng xã hội là việc bạn giao tiếp hiệu quả với những người xung quanh, biết cách xây dựng các mối quan hệ bền chặt và tin tưởng lẫn nhau. Họ sẽ có khả năng thông báo những tin tức xấu nhưng người nghe vẫn lắng nghe và thông cảm. Họ có thể đối mặt hiệu quả trong những tình huống xung đột vì họ có khả năng giải quyết chúng một cách hài hoà.
Dưới đây là một vài cách thức hiệu quả để bạn phát triển các kỹ năng xã hội:
Là một người lắng nghe chủ động: Lắng nghe chủ động là việc bạn toàn tâm chú ý đến những điều đối phương đang nói, không có phán xét bên trong, không lơ là mất tập trung trong lúc trò chuyện. Bạn có thể hiểu được những điều họ đang nói, thậm chí là những điều họ chưa nói (nhưng biểu lộ qua tông giọng, ngôn ngữ cơ thể,…).
Chính xác và rõ ràng trong giao tiếp: Với quản lý lãnh đạo, việc giao tiếp của bạn cần rõ ràng, ngắn gọn, thẳng thắn, thông điệp dễ hiểu để tránh những sự hiểu lầm không đáng có.
Duy trì hình ảnh chuyên nghiệp: Ấn tượng đầu tiên luôn quan trọng, và cách bạn cung cấp thông tin có tác động đến cách người khác nhìn nhận và đánh giá bạn. Vì vậy, hãy thật chân thành, cởi mở, và giữ tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Trong một thế giới đầy biến động như hiện tại, công việc của các quản lý lãnh đạo ngày một trở nên thách thức. Cùng lúc, họ vừa phải đối mặt với sự thay đổi liên tục của thị trường và nền kinh tế, vừa phải giải quyết những vấn đề bên trong chính mình. Bắt nguồn từ những quan sát này, Coach For Life xây dựng chương trình đào tạo High Impact Manager: Lãnh đạo bản thân - Đột phá tiềm năng đội nhóm.
Chương trình được xây dựng với 3 trụ cột chính: Lãnh đạo bản thân; Tư duy coaching; và Quản trị bằng coaching. Bước ra khỏi khoá học, các quản lý lãnh đạo sẽ tạo được những ảnh hưởng tích cực với đội nhóm, tối ưu chất lượng công việc, đạt được sự cân bằng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc thực hành tỉnh thức cũng được đưa vào xuyên suốt khoá học một cách gần gũi, dễ ứng dụng.
Chương trình hiện đang có ưu đãi 30% cho những ai đăng ký trước ngày 12/09/2022.
Tuần này, bài thực hành tỉnh thức mà chúng tôi giới thiệu là “Cảm ơn người bạn khó tính”.
Những người bạn khó tính có thể là con người nhưng cũng có thể là hoàn cảnh, tình huống bất như ý đến với mình. Tại thời điểm đó, thay vì tập trung vào người bạn khó tính và có cảm xúc tiêu cực, chúng ta chỉ cần tập trung toàn bộ sự chú ý vào bản thân để giữ được trạng thái bình tĩnh, cởi mở, tích cực; tôn trọng mối quan hệ với họ; hướng sự chú ý đến giải pháp thay vì ngập chìm trong tình huống khó khăn. Kết quả cuối cùng có thể không phải đúng như kỳ vọng của bạn, nhưng là điều tốt nhất bạn có thể làm!
Những người bạn khó tính buộc chúng ta phải bước ra ngoài vùng an toàn, thoải mái để học hỏi một điều gì đó. Họ đến để thử thách lòng kiên nhẫn, khoan dung của ta và giúp chúng ta phát triển những kỹ năng mới. Tuần này, bạn hãy thử thực hành biết ơn họ – một người bạn, một tình huống khó khăn nào mà bạn gặp phải – và tìm xem đâu là món quà họ đem đến cho bạn nhé.
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào 10h sáng thứ 5 hàng tuần.
Nếu bạn cảm thấy bản tin này là hữu ích, hãy chia sẻ nó với những người xung quanh nhé!