[Leader As Coach 50] Sự tò mò – Vũ khí bí mật khi lãnh đạo muốn ứng dụng coaching
“Sự tò mò” - một chủ đề tưởng như mơ hồ và không thực sự liên quan, nhưng lại là chìa khoá làm nên những cuộc hội thoại mang tính coaching chất lượng.
Khi nói đến việc ứng dụng coaching, nhiều nhà quản lý lãnh đạo quan tâm nhiều đến công cụ, mô hình. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là tâm thế, và tư duy của một người quản lý lãnh đạo khi sử dụng coaching.
Trong bản tin tuần này, chúng tôi sẽ chia sẻ về “sự tò mò” - một chủ đề tưởng như mơ hồ và không thực sự liên quan, nhưng lại là chìa khoá làm nên những cuộc hội thoại mang tính coaching chất lượng.
Mối quan hệ giữa sự tò mò và coaching
Tò mò là một đặc điểm bẩm sinh của con người. Nếu như quan sát trẻ nhỏ, bạn sẽ thấy các em bé tò mò về mọi thứ xung quanh: một chú cún con, một chiếc lá rơi, một que kem mát lạnh,… tất cả đều khiến các em hào hứng và nảy sinh vô vàn câu hỏi. Bản chất của sự tò mò là cảm giác thôi thúc muốn tìm hiểu thêm thông tin, kiến thức, quan điểm. Người có sự tò mò sẽ đặt nhiều câu hỏi, đọc nhiều tài liệu để đi sâu vào chủ đề mà họ quan tâm, để trả lời được câu hỏi mà họ đang thắc mắc.
Vậy sự tò mò và coaching có mối liên quan với nhau như thế nào?
Triết lý cốt lõi của coaching là niềm tin rằng khách hàng chính là người có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho chính mình. Vai trò của người coach là tạo một không gian an toàn, đặt câu hỏi để giúp khách hàng nâng cao sự nhận thức về bản thân, thay đổi quan điểm, mở rộng tầm nhìn và thúc đẩy sự học tập.
Câu hỏi coaching không thể được lập trình sẵn, mà phải phù hợp với từng tình huống, từng tính cách khách hàng, và đặc biệt là linh hoạt với dòng chảy của phiên coach. Người coach không thể phụ thuộc vào một kịch bản có sẵn, vì vậy “nguồn lực nội tại” quan trọng để họ có thể đặt những câu hỏi mạnh mẽ là sự tò mò.
Sự tò mò đưa người coach về tâm thế của một “beginner” - người mới bắt đầu, cởi mở với những quan điểm mới, không có sự phán xét, dự đoán, giả định.
Cạm bẫy của sự tò mò
Có một ranh giới khá mong manh giữa sự tò mò và sự tọc mạch, giữa mong muốn khám phá thêm nhiều thông tin và việc đi sâu vào những chi tiết mang tính cá nhân hoặc không thực sự hữu ích cho phiên coach.
Dù sự tò mò là rất quan trọng, bạn cũng nên lưu ý để bản thân không bị rơi vào một trong những tình huống sau:
1, Biến phiên coach thành một cuộc chuyện phiếm về một chủ đề cả hai cùng có sự gắn kết
Đôi khi, người coach có cám dỗ về việc đi sâu vào những tình huống mà bản thân người coach có trải nghiệm tương tự, và người coach có khao khát được chia sẻ, được nói ra quan điểm của mình về vấn đề đó. Thế nhưng rõ ràng, mục tiêu của coachee mới là điều quan trọng.
Ví dụ, nhân viên X có xung đột với trưởng phòng nhân sự và muốn người quản lý giúp mình gỡ rối vấn đề này. Thế nhưng trước đó, người quản lý cũng từng có xung đột với chị trưởng phòng nhân sự này. Thay vì tìm hiểu về cảm nhận của nhân viên và hướng giải quyết, người quản lý lại đặt câu hỏi xoáy sâu vào cách hành xử của trưởng phòng nhân sự, chia sẻ xung đột trước đây của chính mình, và cả hai cùng thảo luận (nói sau lưng) về chị nhân sự đó. Bước ra khỏi phiên coach, X không thấy vấn đề của mình được giải quyết, mà cảm giác tiêu cực với chị phòng nhân sự còn gia tăng.
2, Biến phiên coach thành một cuộc thu thập những dữ liệu phức tạp không cần thiết
Khi tò mò đi sâu vào câu chuyện của khách hàng, người coach cũng có rủi ro đánh đổi thời gian quý báu vào hàng tá chi tiết phức tạp, mơ hồ và không cần thiết. Trong khi đó, điều người coach cần tập trung là việc khách hàng nghĩ gì, cảm thấy gì, và làm thế nào để đồng hành cùng khách hàng tạo ra sự thay đổi.
Ví dụ, nhân viên Y đang đặt mục tiêu đạt được chứng chỉ chuyên môn ABC vào cuối năm 2023 và muốn quản lý coach để thiết lập một kế hoạch khả thi, loại bỏ rào cản tâm lý. Thế nhưng, sự tò mò của người coach lại hướng về chứng chỉ ABC, nên anh đặt rất nhiều câu hỏi về đặc điểm của chứng chỉ, những phạm trù kiến thức, bộ tiêu chí để thi chứng chỉ,... Một số câu hỏi là cần thiết, nhưng quá nhiều câu hỏi khiến Y cảm thấy quá tải về tình huống của mình, mất sự tự tin khi thấy có quá nhiều thứ cần tìm hiểu. Cùng lúc, người quản lý cũng không giúp được Y giải quyết mục tiêu của mình.
Làm thế nào để phát triển sự tò mò tử tế?
Với nhiều sự cám dỗ như vậy, làm thế nào để người coach đảm bảo rằng sự tò mò của mình không đi ngược với nguyên tắc nghề nghiệp coaching và có thể tạo nhiều giá trị nhất cho nhân viên/khách hàng của mình?
1, Tò mò về thế giới quan của khách hàng
Mỗi người có một thế giới quan riêng, một trường ngôn ngữ riêng. Người coach cần luôn giữ sự khách quan, và sự tò mò về những ý niệm trong tâm trí khách hàng, không nên ngầm hiểu rằng họ cũng nghĩ giống như mình.
Ví dụ, M đặt mục tiêu tìm được sự cân bằng trong công việc của cuộc sống. Thế nhưng, định nghĩa về “sự cân bằng" của M và quản lý của mình là rất khác nhau. Vì vậy, trong vai trò người coach, quản lý cần có sự tò mò để tìm hiểu: “Sự cân bằng trong định nghĩa của M có nghĩa là như thế nào?”
2, Tò mò về những sự thiếu đồng nhất
Khi bạn nhận thấy có sự thiếu nhất trong lời nói, ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, năng lượng, logic,… chắc chắn có nhiều điều cần khám phá thêm. Và đó là khi sự tò mò được khuyến khích.
Ví dụ, cuối phiên coach, A dự định sẽ viết nhật ký hàng ngày để giải toả cảm xúc, từ đó có năng lượng tốt hơn cho ngày làm việc tiếp theo. Thế nhưng, khi người quản lý hỏi về cam kết hành động, A lại hơi chùng vai xuống, giọng hạ một tone, và chần chừ trong câu trả lời. Đó là sự thiếu đồng nhất giữa lời nói và kế hoạch hành động. Đó là lúc người quản lý nên có sự tò mò và đơn thuần đặt những câu hỏi như:
Anh thấy em hơi chùng vai và chần chừ khi nói về cam kết viết nhật ký hàng ngày, điều gì khiến em có cảm giác đó? Có điều gì khiến em lấn cấn không?
3, Tò mò chỉ vì lợi ích của khách hàng
Bất cứ câu hỏi nào được đặt ra cũng nên hướng đến mục tiêu giúp khách hàng/nhân viên tiến gần hơn với mục tiêu của mình. Người coach không nên đặt câu hỏi vì muốn tìm insight cho cá nhân mình, hay muốn đào sâu một câu chuyện có vẻ hấp dẫn nhưng không tác động nhiều đến mục tiêu chung.
Ma trận 2x2 dưới đây sẽ giúp người coach biết khi nào sự tò mò được mời gọi:
Nói cách khác, sự tò mò là phương tiện để coach giúp coachee bước vào vùng “unknown” – vùng mà trước đây người coachee chưa từng nghĩ đến, chưa từng khám phá sâu. Hãy hướng sự chú ý hoàn toàn về phía khách hàng, tò mò về những điều họ đang và sẽ khám phá, về những mối liên quan, những manh mối đang dần hé lộ để coachee tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Bài thực hành tỉnh thức tuần này là “Ăn kiêng cho tâm trí”. Con người ngày nay phải kiêng khem quá nhiều thứ: không ăn đường, không ăn đồ béo,… với mục đích giữa cho cơ thể được khoẻ mạnh. Vậy, bạn đã đang “ăn kiêng” cho tâm trí mình như thế nào? Để nuôi dưỡng tâm trí “khỏe mạnh” hơn, bạn hãy học cách hạn chế những suy nghĩ lãng phí, tiêu cực kém lành mạnh, vốn chẳng mang lại giá trị “dinh dưỡng” nào và bắt đầu cho tâm trí “ăn” những suy nghĩ tích cực lành mạnh.
Một tâm trí được nuôi dưỡng tốt sẽ luôn có những suy nghĩ tích cực, lạc quan, vui vẻ Ngược lại một tấm trí ốm yếu sẽ đầy ắp những suy nghĩ tiêu cực, bi quan, lo lắng, sợ hãi. Hãy thử nghĩ xem, mỗi ngày chúng ta nên chăm sóc tâm trí mình như thế nào? Đâu là những “thực phẩm” dinh dưỡng cho tâm trí và đâu là những thứ độc hại cần cắt bỏ?
Chúc bạn tìm ra được câu trả lời cho riêng mình và có một tuần detox tâm trí thật hiệu quả và nhẹ nhõm.
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào 10h sáng thứ 5 hàng tuần.
Nếu bạn cảm thấy bản tin này là hữu ích, hãy chia sẻ nó với những người xung quanh nhé!