[Leader As Coach 51] 7 câu hỏi coaching mạnh mẽ mà lãnh đạo nên thành thạo
Trong cuốn sách “The Coaching Habit”, tác giả Michael Bungay Stanier đã đưa ra 7 câu hỏi giúp cho những người lãnh đạo bận rộn có thể ứng dụng coaching
Coaching là một trong những công cụ mạnh mẽ mà lãnh đạo có thể sử dụng để hỗ trợ nhân viên, nâng cao tầm ảnh hưởng. Thế nhưng, làm thế nào để lãnh đạo ứng dụng coaching một cách hiệu quả?
Trong cuốn sách “The Coaching Habit” (Tên tiếng Việt là “7 câu hỏi “thần kỳ" của mọi sếp giỏi"), tác giả Michael Bungay Stanier đã đưa ra 7 câu hỏi giúp cho những người lãnh đạo bận rộn có thể ứng dụng coaching. Bản tin Leader As Coach tuần này sẽ chia sẻ lại 7 câu hỏi này một cách ngắn gọn.
1, Câu hỏi khởi đầu
“Bạn đang nghĩ gì?” (What's on your mind?)
Một trong những lý do khiến người quản lý lãnh đạo không coach thường xuyên là họ không biết phải bắt đầu như thế nào. Trong những tình huống coaching cụ thể, ẩn ý của câu hỏi này là “Hãy nói cho tôi nghe điều mà bạn đang cảm thấy quan trọng/cấp thiết nhất”. Câu hỏi khởi đầu này là một bước đi đầu tiên để tạo lập một cuộc hội thoại vừa cởi mở, vừa có trọng tâm.
2. Câu hỏi A.W.E
“Còn gì nữa không?” (And what else?)
Tác giả sách gọi đây là câu hỏi coaching tốt nhất vì nó có thể gia tăng chất lượng của phần lớn các cuộc hội thoại. Bằng việc đặt câu hỏi “Còn gì nữa không”, bạn khuyến khích coachee suy nghĩ sâu hơn về vấn đề hiện tại. Rất có thể, những câu trả lời xuất hiện đầu tiên trong tâm trí không phải câu trả lời duy nhất, hoặc không phải câu trả lời tốt nhất.
Là một quản lý lãnh đạo, bạn cũng rất dễ có xu hướng đưa ra giải pháp ngay cho nhân viên. Câu hỏi này cũng là cách bạn quản lý hành vi này của bản thân. Bạn buộc phải chậm lại, tôn trọng mạch tư duy của coachee, đồng hành cùng họ để khám phá vấn đề.
3. Câu hỏi tập trung
“Thử thách thực sự với bạn lúc này là gì? (What's the real challenge here for you?)
Khó khăn đầu tiên mà nhân viên đưa ra thường không phải vấn đề thực sự, hoặc không phải vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết.
Câu hỏi này giúp người quản lý lãnh đạo xác định vấn đề thực sự và trọng tâm nhất. Hai từ “với bạn” trong câu hỏi cũng giúp nhân viên hướng về những vấn đề của cá nhân họ, thay vì chỉ ra những khó khăn nói chung của tổ chức và đội nhóm.
Câu hỏi cũng hữu ích với những nhân viên có xu hướng thổi phồng khó khăn, hoặc lảng tránh vấn đề cốt yếu nhất bằng việc liệt kê rất nhiều khó khăn thử thách khác nhau.
4. Câu hỏi nền tảng
“Điều bạn mong muốn là gì?” (What do you want?)
Đôi khi, chính nhân viên/coachee cũng mông lung về điều họ mong muốn. Đây là một câu hỏi mạnh mẽ để cuộc trò chuyện nhanh chóng đi vào chiều sâu. Đặc biệt, trong tình huống phiên coach đang bị “trật bánh” bởi những cảm xúc tiêu cực, những câu chuyện kể lể thiếu trọng tâm, câu hỏi này giúp coachee quay lại với chính bản thân mình, với điều mà họ đang mong muốn đạt được.
Đồng thời, với người quản lý lãnh đạo ứng dụng coaching, đây cũng có thể coi là một công cụ tự quản lý. Nếu chính bạn đang cảm thấy mất hướng, cảm thấy coachee và mình đang lòng vòng không đi đến đâu, đây cũng là cách bạn định hướng lại phiên coach, và cũng tự hỏi chính mình rằng bạn mong muốn điều gì từ cuộc trò chuyện này.
5. Câu hỏi lười biếng
“Tôi có thể giúp bạn như thế nào? hoặc “Bạn muốn được tôi hỗ trợ như thế nào? ("How can I help?" hoặc "What do you want from me?")
Câu hỏi này mang lại hiệu quả kép cho cả coach và coachee. Với nhân viên, câu hỏi này thúc đẩy họ nói thẳng và rõ ràng vào những mong muốn của họ. Đây cũng là một câu hỏi nâng cao giúp họ xác định thực sự mong muốn của mình. Với quản lý lãnh đạo, thay vì phải tự nghĩ xem mình nên hỗ trợ nhân viên như thế nào, câu hỏi này cho bạn câu trả lời thiết thực và trực tiếp từ nhân viên của mình. Có thể họ đang chỉ cần một người lắng nghe. Có thể họ mong muốn một sự hướng dẫn cụ thể nào đó.
Đôi khi, nếu những mong muốn của nhân viên là không phù hợp hoặc nằm ngoài khả năng của bạn, hãy nhớ rằng bạn luôn có quyền từ chối. Bạn cũng có thể gợi ý một số cách thức khác nằm trong khả năng của bạn để hỗ trợ nhân viên, hoặc rằng bạn cần thêm thời gian suy nghĩ về đề xuất đó.
6. Câu hỏi chiến lược
"Nếu bạn nói có với điều này, bạn phải nói không với điều gì?” ("If you say yes to this, what must you say no to?"
Chiến lược là việc bạn phải biết nói “không” với cả những điều bạn thực sự muốn nói “có”, vì điều đó không phục vụ lợi ích dài hạn của bạn và tổ chức. Câu hỏi này giúp coachee xác định rõ ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp/từng sự lựa chọn, giúp họ nhận ra rằng khi họ lựa chọn làm việc A, họ sẽ phải đánh đổi những gì.
Trên thực tế, những lựa chọn khó khăn là điều mà bạn và các cộng sự của mình phải học cách đối diện. Đôi khi, câu hỏi này cũng hữu ích với chính các quản lý lãnh đạo trong việc đưa ra những quyết định của mình.
7. Câu hỏi học tập
"Điều gì hữu ích nhất hoặc có giá trị nhất ở đây đối với bạn?" ("What was most useful or most valuable here for you?")
Câu hỏi này khiến mọi người phải dừng lại và suy ngẫm, và điều này là vô cùng quan trọng đối với quá trình học tập. Kết nối thần kinh không được tạo ra khi ai đó được bảo rằng phải làm điều gì đó, mà được tạo ra trong quá trình phản ánh chiêm nghiệm và rút ra bài học.
Câu hỏi này cũng giúp bạn nhận được phản hồi về hiệu quả về cách tiếp cận bằng coaching, từ đó xác nhận xem bạn nên điều chỉnh như thế nào trong việc hỗ trợ nhân viên của mình.
Hầu hết những câu hỏi này cũng được sử dụng một cách độc lập, không nhất thiết trong một phiên coachee chuyên nghiệp. Bạn cũng không nhất thiết phải ghi nhớ 7 câu hỏi này như một kịch bản cố định theo đúng thứ tự, chỉ cần chọn ra một vài câu hỏi hữu ích trong từng tình huống cụ thể. Hãy thử nghiệm với những câu hỏi này và quan sát hiệu quả của chúng cho các cuộc trò chuyện/ các phiên coach sắp tới của bạn nhé!
Bài thực hành tỉnh thức hôm nay mà chúng tôi gợi ý bạn là ‘Tấm gương phản chiếu'.
Không dễ để tự nhận ra những yếu điểm của mình. Nếu những người xung quanh là một tấm gương phản chiếu mình một cách khách quan thì mỗi người chúng ta gặp và tương tác đều là một món quà mà vũ trụ gửi đến cho chúng ta.
Hãy nhớ rằng, những điều bạn nhìn thấy ở người khác thường phản chiếu điều đang có trong chính mình, phẩm chất tốt đẹp, những điều cần được cải thiện hoặc thay đổi. Khi trong chúng ta xuất hiện cảm xúc không thích, không gần gũi, không kết nối… với ai đó, đấy chính là lúc chúng ta nên quay trở về bên trong mình và tự hỏi mình nhìn thấy điều gì của họ trong chính mình. Những hình ảnh phản chiếu đó nói lên điều gì về bản thân bạn?
Tuần này, bạn hãy thử chọn một tình huống cụ thể để làm thí nghiệm này nhé. Hay thử tìm kiếm những phẩm chất tốt đẹp, những điều cần được cải thiện hoặc thay đổi thông qua người khác.
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào 10h sáng thứ 5 hàng tuần.
Cảm ơn các bạn đọc đã luôn ủng hộ Leader As Coach trên hành trình 52 bản tin vừa qua. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ có thật nhiều khám phá mới mẻ trên chặng đường sắp tới!
Nếu bạn cảm thấy bản tin này là hữu ích, hãy chia sẻ nó với những người xung quanh nhé!