[Leader As Coach 67] 12 gợi ý để xây dựng tư duy phát triển (growth mindset) trong tổ chức
5 đặc điểm của một môi trường làm việc chú trọng tư duy phát triển và 12 cách thức để thúc đẩy tư duy phát triển trong tổ chức
Trong ebook “5 xu hướng lãnh đạo nổi bật năm 2023” do Coach For Life xây dựng và đăng tải gần đây, nâng cao tư duy phát triển (growth mindset) là một trong những xu hướng hàng đầu mà người lãnh đạo cần xây dựng cho cá nhân mình và cho cả đội nhóm. Một doanh nghiệp mà đội ngũ nhân sự có tư duy phát triển sẽ có khả năng vững vàng trước những biến động, liên tục đổi mới để tối ưu hoạt động của doanh nghiệp.
Trong bản tin Leader As Coach tuần này, chúng tôi sẽ đi sâu khám phá các khía cạnh của một môi trường làm việc chú trọng tư duy phát triển và gợi ý các cách để nhà lãnh đạo có thể đẩy mạnh tư duy phát triển trong đội nhóm.
Tư duy phát triển là gì?
Một người thể hiện tư duy phát triển khi họ tin rằng họ không bị giới hạn bởi những đặc điểm hoặc khả năng vốn có. Thay vào đó, họ có khả năng học hỏi, phát triển và cải thiện. Chỉ riêng tài năng thiên bẩm không thể tạo nên thành công, mà chính kinh nghiệm, thực tiễn áp dụng và cách tư duy tích cực mới là những yếu tố quan trọng làm nên thành công. Đây là ý tưởng đằng sau tư duy phát triển. Cụm từ “tư duy phát triển” lần đầu được chia sẻ bởi Carol Dweck, nhà tâm lý học, giáo sư và nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford.
Dưới đây là một số sự khác biệt giữa tư duy phát triển và tư duy cố định:
Đặc điểm của một môi trường làm việc có tư duy phát triển
Để có nhiều cá nhân trong doanh nghiệp có tư duy phát triển, bạn cần tạo ra một môi trường thuận lợi để tư duy phát triển được nở rộ. Điều này có nghĩa là bạn phải thúc đẩy ý tưởng rằng bất kỳ ai cũng có thể thành công nếu họ áp dụng các chiến lược đúng đắn, làm việc chăm chỉ và biết cách yêu cầu trợ giúp để cải thiện. Dưới đây là một số đặc điểm của một môi trường làm việc chú trọng tư duy phát triển:
1, Đánh giá cao sự chăm chỉ, quyết tâm và kiên trì trong công việc
Thay vì khen ngợi nhân viên bởi tài năng bẩm sinh của họ, hãy nói về sự chăm chỉ của họ trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Khen thưởng những nhân sự đã thể hiện sự kiên trì và quyết tâm hoàn thành mục tiêu của họ cũng như của đội nhóm.
2, Nhân viên được giúp đỡ và khuyến khích học các kỹ năng mới
Bạn có thể cùng nhân viên đặt ra những mục tiêu có phần thách thức. Việc này sẽ giúp nhân sự vượt ra khỏi vùng an toàn, thử nghiệm những chiến thuật mới, phát triển các cách làm mới, mở rộng tư duy và phát sinh nhu cầu học tập để nâng cao năng lực, kỹ năng.
3, Nhân viên được coach và hỗ trợ để phát triển kỹ năng tư duy phản biện
Trước những vấn đề thách thức, người lãnh đạo có thể thực hiện các phiên coach để nhân viên chủ động khám phá vấn đề, đề xuất các giải pháp. Bằng cách này, nhân viên có cơ hội phát triển tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề.
4, Nhân viên được khuyến khích thử nghiệm những ý tưởng mới
Hãy có thái độ “Không có ý tưởng nào là ý tưởng tồi”. Thử nghiệm những điều mới, nền tảng mới, kiến thức mới để vượt qua những trở ngại.
5, Coi thất bại là cơ hội học tập quý giá
Thay vì trừng phạt những nhân viên không đạt được mục tiêu, hãy có những cuộc thảo luận tích cực về những điều họ có thể học được từ thất bại và những gì có thể làm để biến thất bại thành cơ hội học tập quý giá nhất.
Làm thế nào để xây dựng tư duy phát triển trong tổ chức?
Tin vui rằng tất cả chúng ta đều có thể nâng cao tư duy phát triển trong doanh nghiệp. Việc thực hiện một cách có chủ ý các bước để ưu tiên tư duy phát triển sẽ có tác động lớn đến văn hoá tổ chức, hiệu suất và các mối quan hệ tại nơi làm việc. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
Tạo cơ hội học tập
Thiết kế các chương trình/hoạt động cho phép nhân viên học các kỹ năng mới.
Tham khảo ý kiến của nhân viên về những gì họ muốn tìm hiểu hoặc muốn học thêm.
Sử dụng chuyên môn nội bộ để đào tạo chéo giữa các bộ phận.
Sử dụng công nghệ (ví dụ: dựa trên thiết bị di động) để cung cấp tài nguyên đào tạo và học tập ở các định dạng hấp dẫn, dễ tiếp cận.
Sử dụng đúng thông điệp tuyển dụng
Khi tuyển dụng - đừng đề cập nhiều những người giỏi nhất và thông minh nhất, hãy nói về các cơ hội thăng tiến, phát triển và học hỏi.
Khen thưởng mọi người vì sự chăm chỉ, chiến lược, khả năng giải quyết thách thức và sự kiên trì của họ.
Hãy coi cả thành công và thất bại là những cơ hội học tập quý giá
Tôn vinh những thất bại như một phần của quá trình học tập và coi chúng như một nguồn dữ liệu quý giá về những gì hiệu quả (và những gì không).
Tránh việc tư duy tập thể
Tư duy tập thể khiến một số đối tượng trong đội ngũ lười suy nghĩ, dễ dàng đi theo ý tưởng của người khác. Thay vào đó, khuyến khích tất cả mọi người lên tiếng.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho những chia sẻ cởi mở và trung thực
Các nhà lãnh đạo có tư duy phát triển sẵn sàng lắng nghe những quan điểm đa dạng, ngay cả khi họ thách thức quan điểm của chính nhà lãnh đạo.
Cung cấp các phương tiện để tất cả nhân viên đóng góp, chia sẻ ý kiến và đưa ra những lời phản hồi có tính xây dựng
Tập trung vào coaching, đào tạo và phát triển đội ngũ
Các công ty có tư duy phát triển biết rằng tiềm năng đầy đủ của nhân viên vẫn chưa được khám phá hết.
Đưa coaching vào văn hoá tổ chức để nâng cao việc trao quyền cho nhân viên, giúp nhân viên tự khám phá tiềm năng và các cơ hội học hỏi.
Tất cả nhân viên trong đội ngũ của bạn đều có khả năng học hỏi, trưởng thành và phát triển. Họ có khả năng vượt qua trở ngại bằng sự kiên trì, quyết tâm và tư duy tích cực. Là người lãnh đạo, việc của bạn là hỗ trợ họ khám phá và phát huy tối đa những tiềm năng này, doanh nghiệp từ đó sẽ tự động phát triển với tốc độ mà chính bạn cũng ngạc nhiên. Coaching là một trong những công cụ hữu ích nhất để nâng cao tư duy phát triển trong đội ngũ. Chương trình đào tạo Leader As Coach của Coach For Life sẽ giúp bạn nhanh chóng làm chủ kỹ năng này và có khả năng triển khai hiệu quả trong tổ chức. Tham khảo tại đây: https://www.coachforlife.vn/leader-as-coach
Đã bao lâu rồi, bạn chưa thực sự “lắng nghe” và cảm nhận từng bước chân của mình? Tuần này, bản tin Leader As Coach muốn giới thiệu đến bạn bài thực hành “Đi trong tỉnh thức”.
Đi trong tỉnh thức là một ví dụ của việc thực hành tỉnh thức trong hành động. Mục đích của thực hành này là tăng khả năng tập trung, phát triển khả năng quan sát và làm chủ cảm xúc, suy nghĩ. Duy trì sự chú tâm, cảm nhận rõ từng bước đi và những gì đang diễn ra sẽ giúp chúng ta “tắt” được những suy nghĩ miên man, không cần thiết. Khi đó, chúng ta thực sự được nghỉ ngơi, tích lũy năng lượng và thư giãn trong mỗi bước chân đi.
Trong tuần này, hãy lựa chọn một quãng đường ngắn, có thể chỉ là từ chỗ đỗ xe vào tới văn phòng để thử thực hành đi trong tỉnh thức và quan sát xem bạn sẽ phát hiện ra điều gì mới mẻ nhé!
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào 10h sáng thứ 5 hàng tuần.
Nếu bạn cảm thấy bản tin này là hữu ích, hãy chia sẻ nó với những người xung quanh nhé!