[Leader As Coach 77] Lãnh đạo nên tập trung vào nhiệm vụ, hay tập trung vào con người?
Trong bối cảnh thế giới VUCA đó, triết lý lãnh đạo toàn cầu cũng đang có xu hướng thay đổi. Cùng tìm hiểu xu hướng thay đổi đó!
Chưa bao giờ con người phải trải qua những tình trạng thay đổi liên tục và bất ổn định về mọi mặt trong cuộc sống như bây giờ. Sự ra đời của Internet, điện thoại thông minh và mạng xã hội khiến cho toàn cầu hóa diễn ra nhanh hơn. Công nghệ phát triển mang lại vô vàn tiện ích, giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhưng cũng làm chúng ta phải đối mặt với sự bất ổn diễn ra trong xã hội. Trong bối cảnh thế giới VUCA đó, triết lý lãnh đạo toàn cầu cũng đang có xu hướng thay đổi. Trong bản tin tuần này, chúng tôi sẽ chia sẻ về sự chuyển đổi triết lý lãnh đạo: từ tập trung vào nhiệm vụ, đến tập trung vào con người.
Hai nhóm phong cách lãnh đạo chính
Fred Fiedler - một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về tâm lý học tổ chức thế kỷ 20, đã từng phân chia phong cách lãnh đạo vào hai xu hướng chính:
Lãnh đạo tập trung vào nhiệm vụ (tiếng Anh là Task-oriented Leader): là những người lãnh đạo chú trọng vào việc chỉ đạo công việc cho người dưới quyền, độc lập đặt ra mục tiêu, lên kế hoạch và phân chia nhiệm vụ cho các thành viên cấp dưới. Mối quan tâm lớn nhất của họ là hiệu suất công việc và hoàn thành các nhiệm vụ hiện có.
Lãnh đạo tập trung vào con người/mối quan hệ (tiếng Anh là People-oriented Leader/Relationship-oriented Leader): là những người lãnh đạo tập trung vào việc phát triển con người, xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo và các nhân viên cấp dưới. Họ chú trọng đến việc tạo điều kiện cho nhân viên được tham gia vào quá trình xây dựng mục tiêu, tìm giải pháp cho những vấn đề của đội nhóm và tổ chức. Họ quan tâm đến việc từng nhân sự của mình có đang hạnh phúc với công việc và có được phát huy trọn vẹn năng lực của mình hay không.
Ví dụ về hai nhóm phong cách lãnh đạo
Hãy tưởng tượng rằng, bạn và đội nhóm của mình đang theo đuổi một mục tiêu kinh doanh dài hạn. Đột nhiên, các điều kiện khách quan thay đổi, áp lực bên ngoài nhiều hơn và mục tiêu cần phải thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới. Mục tiêu này có thời hạn khá gấp và có thể sẽ tạo nhiều áp lực cho nhân viên của bạn. Trong tình huống này, lãnh đạo tập trung vào nhiệm vụ và lãnh đạo tập trung vào con người sẽ có cách xử lý khác nhau như thế nào?
Trường hợp 1. Bạn là một lãnh đạo tập trung vào nhiệm vụ
Bạn tin rằng bạn và đội nhóm của mình có thể thực hiện được mục tiêu này thông qua việc lập kế hoạch và quản lý chặt chẽ từng bước đi. Bạn thể hiện khả năng lãnh đạo thông qua việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và chỉ đạo từng bước để đạt được nhiệm vụ đó. Bạn cho rằng việc thảo luận là lãng phí thời gian trong tình huống gấp gáp này, nên bạn tự lên kế hoạch và chỉ đạo xuống nhân viên cấp dưới.
Trong suốt dự án, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Một thành viên chủ chốt bị ốm bất ngờ và buộc phải tạm nghỉ. Điều này buộc các thành viên khác phải làm việc thêm giờ để đạt được mục tiêu đó. Mọi người kiệt sức và gần như bỏ cuộc. Bạn nhấn mạnh rằng công ty sẽ thưởng một kỳ nghỉ dài năm ngày sau khi hoàn thành dự án để nhân viên của bạn cố gắng hoàn thành công việc.
Trường hợp 2: Bạn là một lãnh đạo tập trung vào con người
Khi biết rằng mục tiêu của doanh nghiệp thay đổi và mục tiêu mới có vẻ khá thách thức, bạn quyết định tổ chức một buổi họp nhóm. Nhóm của bạn cùng thảo luận về mục tiêu, thời hạn mới và xác định những thách thức trong nhiệm vụ này. Thông qua thảo luận, nhóm của bạn đồng thuận rằng nhiệm vụ này không phải là không thể thực hiện, nhưng trọng tâm chính sẽ là hoàn thành sản phẩm phiên bản cơ bản nhất, một số yếu tố chưa cấp bách của nhiệm vụ này có thể lần lượt được hoàn thành sau đó.
Các thành viên trong nhóm cũng đưa ra các ý tưởng để đạt được mục tiêu, cắt giảm và sắp xếp lại một số yếu tố trong nhiệm vụ để chúng khả thi hơn. Thông qua những chia sẻ này, bạn cũng nhận ra cách thức để tận dụng hiệu quả nhất chuyên môn, thế mạnh và đam mê của từng thành viên tham gia dự án.
Trong suốt dự án, nhiều vấn về mới nảy sinh. Một thành viên chủ chốt bị ốm bất ngờ và buộc phải tạm nghỉ. Một cuộc họp ngắn được tổ chức, bạn cùng các thành viên bàn luận nhanh và chia nhau phần việc của nhân viên vừa bị ốm. Bạn quan sát thấy mọi người sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm phù hợp với năng lực của mình, dù có một số ngày họ phải làm việc thêm giờ. Bạn thể hiện sự ghi nhận, biết ơn và liên tục động viên từng thành viên trong nhóm.
Điểm khác nhau giữa hai nhóm phong cách lãnh đạo
Từ ví dụ này, hẳn bạn đã nhận ra một vài điểm khác nhau giữa phong cách lãnh đạo tập trung vào nhiệm vụ và phong cách lãnh đạo tập trung vào giải pháp. Bảng dưới đây sẽ thể hiện rõ những điểm khác nhau cơ bản giữa hai phong cách lãnh đạo này.
Từ những năm 1940, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xác định mức độ hiệu quả và tầm ảnh hưởng của từng phong cách lãnh đạo, trong đó chủ yếu là hai phong cách: lãnh đạo tập trung vào nhiệm vụ và lãnh đạo tập trung vào con người.
Trong một nghiên cứu năm 1993 của Fiedler, ông chỉ ra rằng lãnh đạo tập trung vào nhiệm vụ sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực trong bối cảnh mọi điều kiện đều chắc chắn, không có nhiều sự thay đổi, và họ có tầm ảnh hưởng cao về quyền lực trong tổ chức. Mặt khác, một lãnh đạo tập trung vào con người sẽ thế mạnh hơn trong điều kiện kinh tế có nhiều sự thay đổi, mơ hồ, không chắc chắn. Vì họ biết rằng họ không thể kiểm soát được tất cả mọi việc, họ lựa chọn việc nâng cao sự kết nối với nhân viên trong đội nhóm, sử dụng trí tuệ tập thể để cùng đối diện với những tình huống thay đổi.
Jim Collins, tác giả của cuốn sách kinh điển về lãnh đạo “Từ tốt đến vĩ đại”, cũng từng chia sẻ rằng: “Những người xây dựng các công ty vĩ đại hiểu rằng động lực tăng tưởng quan trọng nhất không phải là thị trường, công nghệ, đối thủ cạnh tranh, hay các sản phẩm. Điều quan trọng hơn tất cả là: khả năng có được, giữ chân người phù hợp và giúp họ được toả sáng trong môi trường làm việc của mình”.
—
Hiểu được xu hướng này, ngày 27/5 sắp tới, Coach For Life tiếp tục tổ chức sự kiện “Làm mới Phong cách Lãnh đạo: Thấu hiểu và Thúc đẩy động lực nhân viên". Với sự kết hợp của Art of Hosting và Group Coaching, sự kiện này sẽ là cơ hội để bạn có thể giao lưu, kết nối với các quản lý lãnh đạo ở các tổ chức khác để cùng chia sẻ, học hỏi, tìm ra giải pháp cho chính mình. Bạn cũng sẽ được tìm hiểu thêm phương pháp quản lý đã được chứng minh hiệu quả ở nhiều tổ chức lớn: Leader As Coach. Đăng ký tại link sau đây: https://www.coachforlife.vn/event-details/cfl-connecting-event-1
Đã bao lâu rồi, bạn chưa thực sự “lắng nghe” và cảm nhận từng bước chân của mình? Tuần này, bản tin Leader As Coach muốn giới thiệu đến bạn bài thực hành “Đi trong tỉnh thức”.
Đi trong tỉnh thức là một ví dụ của việc thực hành tỉnh thức trong hành động. Mục đích của thực hành này là tăng khả năng tập trung, phát triển khả năng quan sát và làm chủ cảm xúc, suy nghĩ. Duy trì sự chú tâm, cảm nhận rõ từng bước đi và những gì đang diễn ra sẽ giúp chúng ta “tắt” được những suy nghĩ miên man, không cần thiết. Khi đó, chúng ta thực sự được nghỉ ngơi, tích lũy năng lượng và thư giãn trong mỗi bước chân đi.
Trong tuần này, hãy lựa chọn một quãng đường ngắn, có thể chỉ là từ chỗ đỗ xe vào tới văn phòng để thử thực hành đi trong tỉnh thức và quan sát xem bạn sẽ phát hiện ra điều gì mới mẻ nhé!
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào 10h sáng thứ 5 hàng tuần.
Nếu bạn cảm thấy bản tin này là hữu ích, hãy chia sẻ nó với những người xung quanh nhé!