[Leader As Coach 22] Học 5 “ngôn ngữ yêu thương” để ghi nhận nhân viên đúng lúc, đúng cách
Trong bối cảnh kinh tế biến động, công ty nào cũng mong muốn sở hữu nhiều nhân sự giàu chuyên môn, năng lực tốt và sẵn sàng gắn bó lâu dài với tổ chức. Câu hỏi đặt ra rằng: Lãnh đạo đã đang làm những gì để giữ chân nhân sự, để họ cảm thấy được trân trọng? Ghi nhận nhân viên đúng lúc đúng cách, dù chỉ bằng một vài hành động rất nhỏ, cũng có thể tạo tác động lớn đến mức độ gắn kết của nhân viên.
Trong bản tin Leader As Coach tuần này, chúng tôi sẽ gợi ý bạn cách thức cụ thể để thể hiện sự ghi nhận với nhân viên, dựa trên lý thuyết 5 ngôn ngữ yêu thương của Gary Chapman.
Tại sao lãnh đạo nên ghi nhận nhân viên?
Nhiều lãnh đạo có tư duy rằng, làm tốt công việc là trách nhiệm tất yếu của nhân viên, vì vậy việc ghi nhận là thừa thãi. Dưới đây là một vài số liệu có thể khiến bạn thay đổi tư duy này:
Một trong những lý do hàng đầu khiến một nhân sự nhảy việc là bởi công sức của họ không được ghi nhận (Theo Gallup)
52,5% nhân sự mong muốn nhận được nhiều sự ghi nhận hơn từ quản lý trực tiếp của họ (Theo Quantum Workplace và Bamboo HR)
Tổ chức có những chính sách để ghi nhận sự cống hiến của nhân viên có khả năng đạt kết quả kinh doanh mạnh mẽ gấp 12 lần (Theo Deloitte)
Rõ ràng, thể hiện sự ghi nhận với nhân viên là một việc làm tốn rất ít chi phí và công sức, nhưng có thể mang đến những tác động lớn đến tổ chức: nhân sự có thêm động lực cống hiến, có mong muốn gắn bó lâu dài, năng suất công việc được gia tăng, doanh nghiệp xây dựng được văn hoá yêu thương và cởi mở.
Ứng dụng 5 ngôn ngữ yêu thương trong việc ghi nhận nhân viên
Gary Chapman, tác giả cuốn sách “Năm ngôn ngữ yêu thương” được xuất bản vào năm 1992, đã chỉ ra 5 cách thức để thể hiện tình yêu thương với đối tác (người yêu/ vợ/ chồng). Tuy nhiên, 5 ngôn ngữ yêu thương này có thể áp dụng cho bất cứ ai mà bạn coi trọng, bao gồm cả nhân viên của mình.
1, Lời nói khẳng định (Words of Affirmation)
Lời nói khẳng định thường liên quan đến việc dành những lời khen ngợi cho những người mà ta yêu quý. Trong bối cảnh doanh nghiệp, việc này có thể biểu đạt qua những cách thức như:
Khen ngợi nhân viên vì họ đã làm việc chăm chỉ, có nhiều nỗ lực và cống hiến cho tổ chức;
Đưa ra những sự công nhận tích cực, những phản hồi mang tính đóng góp cao để họ tiếp tục làm tốt trong tương lai;
Khi cố vấn hoặc coach nhân viên, hãy khẳng định những điểm tích cực của họ, những nỗ lực mà bạn đã quan sát thấy trong quá trình làm việc cùng họ.
2, Hành động giúp đỡ (Acts of Service)
Hành động giúp đỡ là việc bạn làm một điều gì đó để khiến công việc, cuộc sống của nhân viên trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, ví dụ như sau:
Cung cấp công cụ, tài nguyên và thời gian để hỗ trợ nhân viên của bạn;
Check-in thường xuyên để xem nhân viên của bạn đang làm việc như thế nào và có cần hỗ trợ gì không;
Chủ động đề xuất hỗ trợ khi nhận thấy nhân viên đang làm việc quá sức hoặc gặp có khăn trong công việc;
Thiết lập hệ thống hỗ trợ nhân viên đạt được sự wellbeing trong công việc và cuộc sống, ví dụ như những chương trình đào tạo về sức khoẻ tinh thần, coaching cho những ai gặp khó khăn,…
3, Tặng quà (Gifts)
Hành động tặng quà cho ai đó cũng là một cách tuyệt vời để thể hiện rằng bạn quan tâm và đánh giá cao họ, điều này cũng có thể áp dụng tại nơi làm việc:
Một món quà ý nghĩa nhân ngày kỷ niệm thành lập công ty, sinh nhật, ngày đầu tiên gia nhập công ty…
Tặng họ một vài ngày nghỉ lễ đặc biệt trong năm
Tạo cơ hội cho nhân viên được học tập, được khám phá thêm những năng lực mới
Cung cấp các chương trình cố vấn, kèm cặp, coaching
Những phần thưởng nhỏ sau khi cả nhóm vừa hoàn thành một dự án quan trọng nào đó
Gửi những gói quà chăm sóc cho những người đang làm việc tại nhà, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh
Một lưu ý nhỏ là việc trao gửi những món quà này nên được thực hiện công bằng, công khai trong tổ chức, tránh việc nảy sinh cảm giác ghen tị trong đội nhóm.
4, Những khoảng thời gian chất lượng (Quality Time)
Những khoảng thời gian chất lượng với nhân viên cũng là một dạng ghi nhận quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn có nhiều nhân sự làm việc tại nhà. Dưới đây là một số gợi ý:
Sắp xếp những cuộc trò chuyện cá nhân 1-1 với các thành viên trong nhóm để họ chia sẻ về những khó khăn họ đang gặp và cách bạn có thể giúp đỡ họ;
Có những buổi gặp gỡ cả nhóm mà không nói về những vấn đề công việc;
Dành thời gian chúc mừng những bước tiến mới của nhóm;
Khuyến khích nhân viên tận dụng ngày nghỉ để chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần;
Các hoạt động dã ngoại, retreat cùng nhau.
5, Sự tương tác, tiếp xúc (Touch)
Đối với những người thân thiết như gia đình, bạn bè, bạn đời, những tiếp xúc thể chất (physical touch) có thể là một lời nhắc nhở hữu hình về sự yêu thương. Tuy nhiên, trong môi trường công sở, những tiếp xúc này cần được điều hướng cẩn thận, lịch sự và tôn trọng. Dưới đây là một số gợi ý:
Một cái vỗ nhẹ vào lưng để thể hiện sự cảm kích;
Bắt tay thân thiện;
High-five trong những lúc ăn mừng chiến thắng;
Những cuộc trò chuyện có chiều sâu vào các vấn đề trong cuộc sống của họ.
Làm thế nào để ghi nhận đúng cách và tinh tế?
Lãnh đạo không ghi nhận thì nhân viên thiếu động lực, cảm thấy xa cách. Lãnh đạo ghi nhận quá nhiều thì đôi khi lại tạo cảm giác không chân thật. Marshall Goldsmith - một trong những chuyên gia huấn luyện lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới, đã chia sẻ 3 gợi ý để bạn thể hiện sự ghi nhận một cách hiệu quả nhất:
Bất ngờ: Hãy chú ý đến những tiến bộ nhỏ của nhân viên và có những ghi nhận bất ngờ, không cần phải chờ đến khi họ đã hoàn thành xong cả một dự án lớn để ghi nhận. Sự hào hứng sẽ tăng lên rất nhiều với những sự khen gợi, ghi nhận bất ngờ.
Kịp thời: Nếu tuần này họ làm tốt mà phải đến tháng sau bạn mới ghi nhận, thì có thể chính họ cũng đã quên họ đã làm những gì. Vì vậy, hãy kịp thời ghi nhận những sự phát triển tích cực, điều này cũng khiến cho các thành viên khác trong đội nhóm có thêm động lực cố gắng
Chân thành: Hãy ghi nhận vì bạn cảm thấy biết ơn, trân trọng nhân viên của mình. Bạn ghi nhận chân thành hay ghi nhận sáo rỗng, nhân viên của bạn sẽ luôn cảm nhận được rất rõ.
Tuần này, Leader As Coach muốn gửi đến bạn đọc một thử thách: Trong mỗi ngày làm việc, hãy thể hiện sự ghi nhận với ít nhất 2 nhân sự của mình, theo bất cứ cách thức nào bạn cảm thấy phù hợp nhé!
Sau kỳ nghỉ lễ vừa rồi, bạn cảm thấy thế nào khi quay trở lại với công việc? Hy vọng rằng, dù công việc có bận rộn, bạn vẫn luôn có thể quay về với bản thân mình khi cần thiết. Bất cứ khi nào bối rối, bạn có thể thực hành bài tập “Ba hơi thở tỉnh thức” như sau:
Hơi thở đầu tiên... bạn tập trung vào hơi thở đi vào và đi ra.
Hơi thở thứ hai... quan sát cơ thể.
Hơi thở thứ ba... tự hỏi “Điều gì là quan trọng nhất vào lúc này?
Bạn cũng có thể đều đặn thực hiện bài tập này sau mỗi giờ làm việc để bảo toàn năng lượng của bản thân. Sau mỗi lần thực hành, hãy thử suy ngẫm: Việc dừng lại và hít thở ba hơi có tác động như thế nào đối với trạng thái thể chất và tinh thần của bạn?
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào 10h sáng thứ 5 hàng tuần.
Nếu bạn cảm thấy bản tin này là hữu ích, hãy chia sẻ nó với những người xung quanh nhé!