[Leader As Coach 42] 3 nhóm câu hỏi coaching mạnh mẽ tạo sự chuyển hoá
Tuần này, nối tiếp chủ đề về câu hỏi, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn 3 dạng câu hỏi coaching mạnh mẽ và một số bí quyết để có thể đặt những câu hỏi mạnh mẽ.
Mục đích quan trọng nhất của câu hỏi là giúp tâm trí của coachee được sáng rõ. Các câu hỏi coaching mạnh mẽ thường khiến coachee có những phát hiện mới mẻ, sâu sắc về hành trình của chính họ, những điều mà họ chưa nhận biết được trước đây. Những câu hỏi coaching mạnh mẽ thường ngắn gọn, dễ hiểu. Đôi khi, những câu hỏi coaching cũng có mục tiêu thử thách coachee, để khiến họ vượt qua những sự trì hoãn, biện hộ của bản thân và nhận trách nhiệm với sự phát triển của chính mình.
Trong bản tin Leader As Coach tuần trước, chúng ta đã nói đến 4 dạng câu hỏi cần hạn chế. Tuần này, nối tiếp chủ đề về câu hỏi, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn 3 dạng câu hỏi coaching mạnh mẽ và một số bí quyết để có thể đặt những câu hỏi mạnh mẽ.
Ưu tiên câu hỏi “What” (Cái gì) và “How” (Như thế nào)?
Trong bản tin tuần trước, chúng ta đã nói về việc thận trọng trong việc sử dụng các câu hỏi “Tại sao” bởi những câu hỏi này có thể tạo nên tâm lý phòng thủ cho người nghe. Vậy nếu không đặt câu hỏi “Tại sao”, bạn nên đặt câu hỏi nào?
Câu hỏi “What” (Cái gì):
Câu hỏi “What” thường là những câu hỏi mạnh mẽ, mở ra nhiều ý tưởng, giúp coachee thực sự phải tư duy. Dưới đây là một ví dụ về sự khác biệt giữa một câu hỏi đóng, và một câu hỏi bắt đầu “What”:
(1) Câu hỏi đóng: Em đã thử tìm giải pháp chưa?
(2) Câu hỏi mở: Em đã thử làm những gì để giải quyết vấn đề này rồi?
Thay vì chỉ nhận được câu hỏi lời là “Có” hoặc “Chưa”, với câu hỏi thứ 2, coachee sẽ có cơ hội nhìn lại và liệt kê tất cả những điều bạn đã làm để giải quyết vấn đề của mình, từ đó phát hiện những giải pháp đã đem lại hiệu quả tốt hoặc tìm thêm những giải pháp mới.
Một số câu hỏi “What” mạnh mẽ khác là:
Điều bạn muốn là gì?
Em muốn đạt được điều gì sau cuộc trò chuyện với anh hôm nay?
Điều mà em đang thực sự muốn thay đổi là gì?
Những câu hỏi này sẽ khiến coachee quay lại với chính bản thân mình để xác định mục tiêu, tìm ra bản thân mình đang mong muốn đạt được gì từ cuộc trò chuyện. Đồng thời, những câu hỏi trên cũng giúp họ thoát ra khỏi những câu chuyện bên lề hoặc những sự giải thích dài dòng thiếu mục đích.
Câu hỏi “How” (Như thế nào):
Câu hỏi How thường được dùng để xác định những kinh nghiệm trong quá khứ, hoặc sử dụng khi đến bước xác định kế hoạch hành động.
Trường hợp 1: Tìm hiểu “Know-how" (những bài học kinh nghiệm trong quá khứ): Như em vừa nói, em đã từng trải qua sự xung đột với đồng nghiệp. Lúc đó em đã giải quyết như thế nào? (Nghe coachee trả lời rồi hỏi tiếp) Có bài học nào em nghĩ có thể áp dụng cho trường hợp này không?
Trường hợp 2: Xác định hành động: Một số câu hỏi bạn có thể tham khảo như: Em sẽ làm các kế hoạch hành động đó như thế nào?; Làm thế nào để em biến những kế hoạch này thành hiện thực?; Em nghĩ mọi người sẽ phản ứng như thế nào trước sự thay đổi của em?.
Nhìn chung, những câu hỏi coaching mạnh mẽ thường là những câu hỏi mở, ngắn gọn, dễ hiểu, nhưng có khả năng khơi gợi và đòi hỏi nhiều chiệm nghiệm, tư duy nghiêm túc của coachee.
3 nhóm câu hỏi coaching mạnh mẽ
Nếu bạn là quản lý lãnh đạo đang muốn nâng cao chất lượng câu hỏi của mình, dưới đây là 3 dạng câu hỏi bạn có thể tham khảo thêm:
1, Câu hỏi khuyến khích/hỗ trợ (Supporting question):
Câu hỏi hỗ trợ là những câu hỏi khuyến khích coachee kể câu chuyện của họ, ghi nhận thành công và những bài học đã đạt được.
Ví dụ:
Kể cho chị nghe nhiều hơn về giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp mà em vừa nói?
Điều gì xảy ra tiếp theo sự kiện đó?
Đúng là một thành tựu đáng chúc mừng. Em học được gì từ hành trình vừa rồi?
Dạng câu hỏi này giúp coachee nhìn lại và ghi nhận những điều mình đã trải qua cùng với những bài học từ đó. Đồng thời, giúp người coach hiểu sâu sắc và toàn diện hơn câu chuyện và vấn đề mà coachee mang tới.
2, Câu hỏi đối mặt (Confronting question):
Câu hỏi đối mặt là những câu hỏi mà người coach thách thức tính thực tế của một số hành động mà coachee đã đặt ra, tìm hiểu nguyên nhận thực sự của sự trì hoãn, hoặc chỉ ra sự không đồng nhất giữa giá trị cốt lõi họ theo đuổi và những điều họ đang làm. Câu hỏi đối mặt đôi khi gây ra đôi chút khó chịu cho coachee, nhưng đó là điều cần phải xảy ra để coachee thực sự chuyển hoá. Câu hỏi đối mặt không có nghĩa rằng người coach và coachee ở thế đối đầu và căng thăng với nhau, mà luôn có thể trao đổi một cách tôn trọng và bình tĩnh.
Ví dụ:
Trong buổi họp tháng trước, em có nói là em sẽ học thêm kỹ năng A trong tháng 9, nhưng anh thấy có vẻ là em chưa làm điều này. Điều gì đang ngăn cản em vậy?
Em có vẻ rất quyết tâm cho vị trí quản lý phòng trong lần nói chuyện trước với chị, nhưng giờ chị thấy em đang hơi chùn bước. Điều gì khiến em có tâm lý này?
3, Câu hỏi xúc tác (Cathartic question):
Câu hỏi xúc tác thường là những câu hỏi khuyến khích coachee giải toả một số dạng cảm xúc, cả niềm vui và nỗi buồn. Dạng câu hỏi này thường tập trung nhiều vào cảm xúc, thay vì suy nghĩ như hai dạng câu hỏi kể trên. Một phiên coach sẽ khô cứng và máy móc nếu như người coach không quan tâm đến cảm xúc của coachee, mà chỉ tập trung vào mạch logic của câu chuyện. Hãy nhớ rằng, cảm xúc là nền tảng của rất nhiều quyết định, vì vậy bạn nên luôn luôn khám phá khía cạnh cảm xúc của coachee.
Ví dụ:
Điều này chắc hẳn khiến em thất vọng. Em cảm thấy như thế nào khi nhận được thông báo này?
Wow, chúc mừng em đã có bước tiến lớn. Em cảm thấy thế nào về thành tựu này?
Chị thấy giọng em có thấp xuống khi kể chuyện này. Em cảm thấy thế nào khi nhớ lại và kể câu chuyện đó?
Đôi khi, cảm xúc của coachee không chỉ thể hiện qua ngôn ngữ, mà còn qua tông giọng, điệu bộ, qua cách nhún vai, nhíu mày,... Vì vậy, người coach cần hiện diện, quan sát và ghi nhận cả những thông điệp không được nói bằng lời.
Tóm lại, đặt câu hỏi mạnh mẽ là một nghệ thuật. Đây vừa là kết quả của sự rèn luyện, vừa đòi hỏi việc liên tục học hỏi và rút kinh nghiệm qua những phiên coach của mình. Với những quản lý lãnh đạo ứng dụng coaching trong công việc, việc đặt được những câu hỏi mạnh mẽ cũng sẽ tạo nên nhiều chuyển hoá trong đội nhóm cũng như bản thân từng nhân sự. Bạn có thể tìm hiểu thêm về nghệ thuật đặt câu hỏi coaching mạnh mẽ trong khoá học High Impact Manager: Lãnh đạo bản thân - Đột phá tiềm năng đội nhóm.
Chúng tôi tin tưởng rằng, sự thay đổi mạnh mẽ nhất thường xuất phát từ bên trong. Trong bản tin tuần này, chúng tôi gợi ý bạn một bài thực hành tỉnh thức để chủ động kêu gọi những thay đổi tích cực đến với cuộc sống của bạn. Bài thực hành có tên: “Lời khẳng định tích cực”. Lời khẳng định tích cực là phương tiện để luật hấp dẫn được hiển lộ. Nó là một phần của quy luật tự nhiên và một cách chủ động để hấp dẫn những phẩm chất, giá trị hay năng lực mà bạn mong muốn có được trong cuộc sống.
Hàng ngày chúng ta vẫn thường có những suy nghĩ tiêu cực và vô vàn suy nghĩ lãng phí. Thay vì để một ngày trôi qua trong may rủi, chúng ta có cơ hội lựa chọn những suy nghĩ để thay đổi trạng thái năng lượng và số phận của mình. Những suy nghĩ tích cực sẽ quyết định thái độ và hành động của bạn.
Tuần này, bạn hãy tự thực hành với những lời khẳng định tích cực mà bạn tự nói với mình. Ví dụ như:
Tôi xứng đáng hạnh phúc!
Tôi không chấp nhận đau khổ người khác mang đến cho tôi.
Tôi hành động mạnh mẽ để thoát khỏi tình huống thay vì đổ lỗi, trách cứ ai đó.
Hãy nói ra những lời khẳng định với cảm xúc từ đáy lòng mình, kiên trì thực hành nhiều lần trong ngày và rồi bạn sẽ ngạc nhiên bởi sự màu nhiệm của nó.
Chúc bạn một kỳ nghỉ trọn vẹn niềm vui!
Leader As Coach là bản tin hàng tuần dành cho tất cả những ai muốn ứng dụng coaching và mindfulness vào công việc và cuộc sống của mình. Tại bản tin này, chúng tôi sẽ gợi ý một bài học lãnh đạo bằng kỹ năng coaching đơn giản, dễ áp dụng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia sẻ với bạn một bài thực hành tỉnh thức nho nhỏ để giúp bạn luôn hiện diện trong hiện tại, thấu hiểu bản thân, cân bằng cảm xúc, từ đó làm thật tốt công việc lãnh đạo của mình. Bản tin sẽ được gửi vào 10h sáng thứ 5 hàng tuần.
Nếu bạn cảm thấy bản tin này là hữu ích, hãy chia sẻ nó với những người xung quanh nhé!